Vợ chồng bầu Kiên rút vốn, Vietbank sẽ “lên sàn” đầu tuần tới

(Dân trí) - Sau khi bầu Kiên và người thân quyết liệt trong hoạt động rút vốn khỏi Vietbank thì bà Đặng Ngọc Lan - vợ bầu Kiên cũng rời khỏi HĐQT ngân hàng mà gia đình từng là thành viên sáng lập, không còn là cổ đông lớn. Ngày 30/7 tới, Vietbank lên sàn UPCoM.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Theo đó, hơn 419 triệu cổ phiếu của Vietbank sẽ được giao dịch trên hệ thống UPCoM với mã chứng khoán VBB. Ngày giao dịch đầu tiên là 30/7.

Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức định giá 6.285 tỷ đồng.

Biên độ giao dịch ngày đầu tiên trên thị trường UPCoM là ±40%, theo đó, giá cổ phiếu VBB sẽ biến động trong khoảng giá từ 9.000 đồng - 21.000 đồng/cổ phiếu vào phiên thứ Ba tuần sau.

Vietbank được thành lập vào tháng 12/2006 trên cơ sở khôi phụ lại hoạt động của Ngân hàng TMCP Nông thôn Phú Tâm, có trụ sở chính và địa bàn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng.

Vốn điều lệ ban đầu của ngân hàng này thời điểm mới thành lập là 200 tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) là một trong những cổ đông sáng lập của ngân hàng.

Vợ chồng bầu Kiên rút vốn, Vietbank sẽ “lên sàn” đầu tuần tới - 1

Vợ chồng bầu Kiên gắn bó với Vietbank từ những ngày đầu thành lập

Đến nay, Vietbank đã thực hiện phát hành tăng vốn điều lệ 5 lần từ con số 200 tỷ đồng lên 4.192 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2019, Vietbank đang hoạt động với 1 trụ sở chính, 19 chi nhánh, 93 phòng giao dịch tại 15 tỉnh/thành phố, chủ yếu ở khu vực phía Nam.

Theo báo cáo thường niên 2018, Vietbank không có cổ đông lớn. Ngân hàng có 9 tổ chức nắm giữ 32,48% vốn, còn lại do 258 cổ đông cá nhân nắm giữ.

Đầu năm nay, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bán hết 6,6 triệu cổ phần chiếm tỷ lệ 2,035% vốn điều lệ ngân hàng này, chính thức không còn đóng vai trò cổ đông tại đây. Cùng thời gian này, người thân trong gia đình bà Đặng Ngọc Lan cũng lần lượt bán cổ phiếu của Vietbank.

Cụ thể, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh - bố đẻ và mẹ đẻ của bà Đặng Ngọc Lan mỗi người cũng đều bán 3,24 triệu cổ phiếu. Sau khi giao dịch, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh lần lượt nắm giữ 300.000 cổ phiếu chiếm 0,073% vốn điều lệ và 700.000 cổ phiếu chiếm 0,171% vốn điều lệ Vietbank.

Bản thân bà Đặng Ngọc Lan, người nắm giữ 14,97 triệu cổ phiếu chiếm 4,068% vốn điều lệ Vietbank cũng đã từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT ngân hàng này “theo nguyện vọng cá nhân”.

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường trong trung tuần tháng 1/2019, ông Dương Ngọc Hoà – Chủ tịch HĐQT Vietbank đã phát biểu rằng, qua 10 năm hoạt động, Vietbank đã có các cổ đông gắn bó, tâm huyết, trong đó không thể không kể đến gia đình cổ đông ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Ngọc Lan từ ngày đầu thành lập đến nay đã hỗ trợ rất nhiều cho Vietbank. Lãnh đạo Vietbank chia sẻ: “rất cảm ơn và tri ân, ghi nhận sự đóng góp đó”.

Về phần mình, bà Đặng Ngọc Lan cũng cho biết “sẽ luôn đồng hành với Vietbank bất cứ khi nào Vietbank cần”.

Năm 2019, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25% lên hơn 500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, tăng trưởng tín dụng 5,9%.

Trong quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của Vietbank chỉ đạt 18% kế hoạch năm do rơi vào tháng nghỉ Tết kéo dài, tuy nhiên sang quý II, tình hình hoạt động có tiến triển kéo theo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm cải thiện.

Cụ thể, trong quý II/2019, Vietbank có lãi trước thuế gần 151 tỷ đồng, lãi sau thế gần 120 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và hơn 1% so với cùng kỳ. Tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2019 đạt 56.603 tỷ đồng, tăng gần 4.900 tỷ đồng so với đầu năm.

Mai Chi