Vitaco: Sự cố va chạm tàu Petrolimex 14 không ảnh hưởng nhiều đến công ty
(Dân trí) - Vào hồi cuối tháng 3, tàu Petrolimex 14 của Vitaco đã có va chạm với tàu Hải Thành 26 khiến tàu Hải Thành 26 bị chìm và 9 thủy thủ trên tàu tử nạn. Tuy nhiên, theo đại diện của Vitaco, sự cố này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Sự cố va chạm là "điều không ai mong muốn"
Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco (mã chứng khoán VTO) - một công ty con thuộc Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex vừa công bố biên bản và nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ vừa qua, thay mặt đoàn chủ tịch công ty trả lời ý kiến cổ đông, ông Nguyễn Quang Cương - Tổng giám đốc Vitaco cho biết, sự cố va chạm tàu Petrolimex 14 của công ty này nói chung cũng như sự cố tai nạn hàng hải nói riêng là điều không ai mong muốn.
Cụ thể, vào hồi cuối tháng 3, tàu Petrolimex 14 của Vitaco đã có va chạm với tàu Hải Thành 26 khiến tàu Hải Thành 26 bị chìm và 9 thủy thủ trên tàu tử nạn.
Tuy nhiên, ông Cương cho biết, hiện nay, sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra nên vẫn chưa có kết luận.
Theo đại diện của Vitaco, các cơ quan chức năng đã cho phép tàu đi sửa chữa ở nhà máy đóng tàu Dung Quất. Công ty cũng đã mua bảo hiểm nên việc bồi thường thiệt hại sau tai nạn do bên bảo hiểm giải quyết.
Đại diện Vitaco cho hay, theo kế hoạch, dự kiến vào tháng 6/2017 tới, tàu Petrolimex 14 đã có kế hoạch lên đà sửa chữa lớn, nhưng do sự việc không may xảy ra nên kế hoạch sửa chữa được tiến hành sớm hơn. Vì vậy, việc sửa chữa tàu cũng giảm bớt chi phí so với kế hoạch mà công ty đã xây dựng đầu năm.
“Tổng thể, sự cố tàu Petrolimex 14 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty” - ông Nguyễn Quang Cương khẳng định.
Quý III, vận hành thử nhà máy Nghi Sơn
Ngoài ra, trao đổi với cổ đông, ông Nguyễn Đình Dương - Ủy viên HĐQT công ty cũng cho biết, tiến độ hoạt động của nhà máy Nghi Sơn dự kiến sau năm 2017. Chính thức đến quý III/2017, nhà máy sẽ vận hành thử, sản phẩm thương mại bán ra trên thị trường còn rất hạn chế. Dự kiến năm 2018, nhà máy mới có thể nâng đầy đủ công suất.
Đội tàu hiện tại của VTO đang vận hành, hiện đang cho khai thác và cho thuê bên ngoài, chiếm 40% so với tổng năng lực vận tải của đội tàu. Trong trường hợp năm 2018 nhà máy Nghi Sơn hoạt động đầy đủ công suất, lúc này VTO sẽ sử dụng toàn bộ đội tàu ven biển khai thác.
Kế hoạch trong năm nay, VTO sẽ đầu tư để hoàn thiện đội tàu ven biển, thanh lý tàu cũ, hoàn thiện các chứng chỉ để các tàu có thể vào trong nhà máy Nghi Sơn nhận hàng. Còn đối với các tàu lớn thì một mặt vẫn đảm bảo nguồn hàng cho Petrolimex 60%, còn lại 40% đội tàu VTO đã có định hướng phát triển ra thị trường bên ngoài.
Ban Giám đốc VTO dự báo, tình hình chung giá cước vận tải chưa thể cải thiện trong những tháng đầu năm 2017. Tình hình thị trường vận tải biển cũng phụ thuộc vào sự biến động giá dầu trên thế giới, giá dầu thô được dự báo sẽ tăng nhẹ quanh 50 USD/thùng.
Bên cạnh đó, sự tăng nóng đội tàu từ các công ty vận tải trong thời gian vừa qua tạo nên sự cạnh tranh rất lớn trong ngành, áp lực chi phí tăng do yêu cầu của công ước quốc tế về an toàn tàu dầu, các chi phí về thuyền viên, bảo dưỡng tàu cũng tăng.
Năm 2017, với định hướng sản lượng tiêu thụ của Petrolimex tăng trưởng 4%, song nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp sản phẩm thương mại từ quý III-IV/2017 sẽ tác động lớn đến cơ cấu đường vận động hàng hóa: Khối lượng hàng hóa cho các cỡ tàu nhỏ tăng song tuyến đường vận chuyển ngắn nên sẽ dư thừa năng lực đối với cỡ tàu lớn.
Chính vì vậy, VTO kế hoạch sẽ giảm nhẹ doanh thu và thu nhập xuống còn 1.161 tỷ đồng và tăng lợi nhuận trước thuế lên 116,8 tỷ đồng (các con số này năm 2016 lần lượt là 1.177 tỷ đồng và 115,6 tỷ đồng). Kế hoạch chia cổ tức vẫn giữ tỷ lệ như cũ, mức 8%.
Bích Diệp