“Visa” đưa sữa NutiFood vào thị trường Mỹ

Dòng sản phẩm sữa đặc chế dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus của NutiFood bước đầu chinh phục thị trường Mỹ sau khi ký kết với đối tác phân phối Delori. Để đạt được thành quả này là quá trình dài nỗ lực của NutiFood để chứng minh sản phẩm sữa thuần Việt cũng có thể cạnh tranh ở thị trường toàn cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm tại lễ ký kết hợp tác mới đây, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Công ty NutiFood, cho biết để được thị trường Mỹ chấp nhận, họ mất gần hai năm nỗ lực cùng với đối tác thực hiện các bước chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về sản phẩm sữa cho thị trường Mỹ. Bước quan trọng nhất là sản phẩm phải được kiểm nghiệm chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận để có tấm giấy thông hành xuất khẩu. Đặc biệt đối với sữa là một trong những sản phẩm khó khăn nhất để đạt được chứng nhận này.

“Visa” đưa sữa NutiFood vào thị trường Mỹ - 1

Về dây chuyền sản xuất, NutiFood đã đầu tư hơn 1 triệu USD cho thiết bị đạt chuẩn, với hơn nửa năm để xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự. Ông Hải cho biết việc chuẩn bị qua nhiều công đoạn chi tiết và nghiêm ngặt theo quy định của FDA, từ dây chuyền sản xuất đến thành phẩm cuối cùng. Nhà máy bên cạnh việc đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) cần phải đáp ứng thêm hàng chục các yêu cầu khắt khe khác do FDA quy định. Nhân sự chủ chốt tham gia trong quy trình sản xuất chế biến phải được đào tạo và FDA cấp giấy chứng nhận.

Chẳng hạn theo quy định của FDA, tất cả các nhà máy sản xuất thực phẩm và đồ uống đều phải áp dụng Luật FSMA. Song song đó còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện kỹ thuật mà CFR21 quy định về sản phẩm Low Acid Food hay Acidified Food. Trong đó sữa uống dinh dưỡng thuộc nhóm hàng được quy định khó nhất với hàng chục các điều khoản, chẳng hạn sản phẩm Low Acid như Pedia Plus khi sản xuất phải đạt được độ tiệt trùng thương mại, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chế độ xử lý nhiệt; thiết bị phải được thiết kế đúng yêu cầu của USFDA với tất cả các thông số kiểm soát qui trình sản xuất phải được ghi nhận tự động.

Sự nghiêm ngặt còn ở quy trình khi được thiết lập bởi cá nhân hay tổ chức cũng đều phải được US FDA công nhận…. Sau khi sản xuất, mẫu sản phẩm phải được thử nghiệm, nếu đạt chuẩn mới có thể đưa vào kinh doanh thương mại.

Ông Jaime Brown - Chủ tịch Delori, cho biết để phân phối Pedia Plus, Delori mất hơn một năm để mang sản phẩm vào Mỹ thử nghiệm. Việc thực thi phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kiểm tra chất lượng của FDA; tiếp nhận đánh giá của khách hàng qua hệ thống siêu thị tại Mỹ cho đến việc ghi nhận phản hồi từ phía người dùng thử.

Ông Jaime chia sẻ: “Sản phẩm NutiFood được tổ chức kiểm nghiệm độc lập Michelson Laboratories - Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận; nhà máy NutiFood đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của FDA đồng thời người tiêu dùng Mỹ phản hồi rất tích cực chính là giấy thông hành để chúng tôi phân phối sữa NutiFood vào Mỹ”.

“Visa” đưa sữa NutiFood vào thị trường Mỹ - 2

Ông Jaime Brown cho biết với vai trò là một nhà phân phối nhiều mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng vào Mỹ, Delori thiết lập và kết nối các thương hiệu quốc tế mang tính biểu tượng vào thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là Mỹ.

Trong quá trình tìm kiếm các sản phẩm sữa nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường Mỹ, Delori đã biết đến NutiFood là một công ty sữa nội địa có thị phần số 1 trong ngành sữa đặc trị cho trẻ em trong nước, như GrowPlus suy dinh dưỡng, NutiFit cho trẻ béo phì, Pedia Plus cho trẻ biếng ăn. “Chúng tôi ấn tượng bởi NutiFood đã xây dựng và phát triển được dòng sữa đặc trị dành cho trẻ biếng ăn, dòng sản phẩm này được sản sinh và phát triển lớn mạnh tại Mỹ rất nhiều năm qua, chúng tôi nghĩ chỉ có những công ty mang tầm quốc tế mới có thể làm được điều đó”.

Đánh giá thành công của NutiFood, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng việc xuất khẩu sản phẩm sữa đặc trị vào thị trường Hoa Kỳ đã minh chứng rõ nét năng lực và hướng đi đúng đắn của NutiFood. Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 47 lần giai đoạn 1994-2017, đạt gần 51 tỷ USD năm 2017, Việt Nam đứng thứ 12 về xuất khẩu vào Hoa Kỳ và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của thị trường này.

Dù luôn duy trì mức thặng dư xuất khẩu rất lớn vào Hoa Kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc vào các ngành hàng dệt may, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, đặc biệt sản phẩm cho trẻ em chiếm tỷ trọng không đáng kể. Theo ông Linh, thị trường Hoa Kỳ có những yêu cầu rất cao đối với nhóm các sản phẩm này, đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể về thành phần, hàm lượng dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng, lưu trữ và báo cáo số liệu sản xuất và triệu hồi sản phẩm.

Ông Linh bình luận: “Ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi đánh giá cao định hướng phát triển của NutiFood bởi công ty đã xác định chiến lược đúng đắn, phát triển vững vàng trong nước và từng bước mở rộng ra nước ngoài. Đây cũng là nền móng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam khác mạnh dạn đầu tư, xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội ở thị trường toàn cầu”.

Dự kiến doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD, dự kiến nâng lên 100 triệu USD/năm trong 5 năm tới. Ông Hải chia sẻ, để giữ vững được vị thế và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay là quá trình nỗ lực không ngừng của đội ngũ bác sỹ - chuyên gia dinh dưỡng NutiFood trong nghiên cứu và sản xuất sản phẩm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả với người dùng.

“Sự tin dùng của người Việt đã đưa sản phẩm NutiFood bán chạy số 1 ngành sữa đặc trị trẻ em, nay lại được chấp nhận của thị trường Mỹ là một minh chứng cho sự cam kết của chúng tôi trong đầu tư các nguồn lực R&D cho chất lượng sản phẩm cho đến công nghệ sản xuất để đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Hải cho biết thêm.

Linh An