Vinh danh doanh nghiệp dẫn đầu lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn

(Dân trí) - “Chúng tôi rất hoan nghênh đóng góp của các doanh nghiệp (DN) như HEINEKEN Việt Nam trong việc tiên phong áp dụng các sáng kiến, công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến. Đồng thời còn chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho cộng đồng DN cùng theo đuổi con đường tăng trưởng xanh”.

Vinh danh doanh nghiệp dẫn đầu lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn - 1
Đại diện HEINEKEN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền bững 2019.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) bên lề Hội nghị toàn quốc về phát triển bền bững 2019 vừa được tổ chức vào ngày 12/9 vừa qua.

Theo đó, tại hội nghị năm nay với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, Tổng thư ký VCCI hy vọng các sáng kiến và bài học thành công được HEINEKEN Việt Nam cũng như các DN khác chia sẻ sẽ giúp các DN phát triển một cách bền vững trong tương lai, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Một số DN đã có những sáng kiến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách tái sử dụng, tái chế chất thải như công ty bia HEINEKEN (sử dụng lại chai và tái chế nắp chai…) để có thể tái sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế”.

Cụ thể, tại hai tỉnh Tiền Giang và An Giang, nhãn hàng Tiger đã có một dự án sáng tạo và đột phá, đó là thu gom nắp chai bia, tái chế thành một phần vật liệu, dùng để xây cầu cho người dân địa phương. Với hàng triệu nắp chai bia được thu hồi, tái chế, dự án đã xây được 2 cây cầu làm từ nguyên liệu nắp chai bia, giúp cho việc đi lại hàng ngày của người dân địa phương an toàn, thuận lợi hơn. Cây cầu thứ ba tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2020.

Vinh danh doanh nghiệp dẫn đầu lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn - 2
Với hàng triệu nắp chai bia được thu hồi, tái chế, nhãn hàng Tiger Beer đã xây được 2 cây cầu làm từ nguyên liệu nắp chai bia tại Tiền Giang và An Giang.

Mặc dù đơn giản là vẫn có thể dùng ngân sách tài trợ để xây dựng những chiếc cầu như vậy, nhưng qua chương trình này, HEINEKEN ưu tiên truyền tải thông điệp tới cộng đồng về phát triển bền vững thông qua việc tái chế, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Tất cả những điều này không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn mang lại rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn việc cắt giảm trên 4.000 tấn nhôm mỗi năm không chỉ hiệu quả về kinh tế (tiết kiệm được khoảng 3-4 triệu Euro) mà còn cắt giảm được khoảng 206.000 tấn khí thải CO2 từ quá trình sản xuất lon, tương đương với giảm bớt 40.000 xe lưu thông mỗi năm.

Hơn nữa, HEINEKEN Việt Nam còn tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm. Hiện tại đã có 4 trong 6 nhà máy bia nấu bia từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon. Đáng nói, 100% nước thải từ các nhà máy của công ty này đều được xử lý đạt và vượt chuẩn để trả về môi trường một cách an toàn.

Theo đó, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao HEINEKEN Việt Nam chia sẻ: “Tôi cho rằng quan niệm phát triển bền vững luôn đi kèm với tiêu tốn chi phí là chưa hẳn chính xác. Thậm chí thực tế còn chứng minh điều ngược lại”.

Vinh danh doanh nghiệp dẫn đầu lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn - 3
Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao, HEINEKEN Việt Nam, trình bày tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019.

Do đó, ông Matt dành lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa rằng họ có thể bắt đầu bằng việc phân tích tất cả các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm – từ nguyên liệu đầu vào tới sản xuất, vận chuyển, phân phối và tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt hãy quan tâm tới điểm kết thúc của mỗi giai đoạn. Một khi quan sát và phân tích từng giai đoạn như vậy, các doanh nghiệp sẽ tìm ra cách tái sử dụng hiệu quả, hay những phương thức bền vững hơn để đưa sản phẩm ra thị trường.

Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, HEINEKEN Việt Nam còn tiên phong lan tỏa khái niệm và thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc tổ chức các hội thảo về kinh tế tuần hoàn cho 20 doanh nghiệp thành viên VBCSD và tổ chức huấn luyện về phát triển bền vững cho trên 100 nhà cung cấp.

“HEINEKEN Việt Nam luôn công bằng và minh bạch với nhà cung cấp, luôn nhiệt tình chia sẻ những sáng kiến phát triển bền vững tuyệt vời. Tôi đã vận dụng nhiều sáng kiến hay như Quy tắc Bảo vệ Bản thân, hoạt động bảo vệ nguồn nước và nhiều sáng kiến khác để cải tiến các hoạt động phát triển bền vững tại công ty tôi,” Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty May Hoàng Nguyễn, một trong số những nhà cung cấp của HEINEKEN, chia sẻ.

Với một công ty đã chọn “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” làm mục tiêu chiến lược, DN đã không ngừng kiến tạo những giá trị bền vững cho Việt Nam trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, góp phần truyền cảm hứng cho các đối tác cùng thực hành phát triển bền vững. Với những nỗ lực và thành tựu nói trên, HEINEKEN Việt Nam đã được VCCI vinh danh là Doanh nghiệp Bền Vững nhất Việt Nam (lĩnh vực sản xuất) trong hai năm liên tiếp (2017 và 2018).

Hồng Vân