Vinataba chuẩn bị về "siêu" Ủy ban quản lý vốn Nhà nước
(Dân trí) - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản hoả tốc yêu cầu Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ để thực hiện việc chuyển giao doanh nghiệp này về Ủy ban theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị định 131 của Chính phủ.
Theo quy định của Chính phủ thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Nghị định 131 có hiệu lực, các cơ quan sẽ tực hiện các thủ tục bàn giao hồ sơ quản lý doanh nghiệp cho Ủy ban. Điều này có nghĩa là Bộ Công Thương sẽ phải tiến hành các bước thủ tục cần thiết để sớm bàn giao Vinataba về "siêu" Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước theo quy định.
Cũng theo yêu cầu của "siêu" Ủy ban, Hội đồng thành viên của Vinataba cần chuẩn bị hồ sơ chuyển giao cũng như hoàn tất các thủ tục chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cho Ủy ban cùng với các giấy tờ cần thiết.
Trên cơ sở hiện trạng, thực tế, Vinataba cần báo cáo kịp thời và đề xuất hướng giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban với tư cách là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp để phối hợp giải quyết…
Theo kế hoạch, cùng với Vinataba sẽ có 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với khối tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng sẽ được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc chuyển giao vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công tư đang trực thuộc các bộ ngành hiện nay sẽ “khởi động” trong tháng 10.
Dự kiến việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu sẽ bao gồm 9 quyền trong đó có quyền bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, quyết định các vấn đề về đầu tư tài chính. Việc các cơ quan chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cho ủy ban trong thời gian không quá 45 ngày kể từ ngày nghị định này và các quyết định chuyển giao có hiệu lực.
Ngoài SCIC, trong số 19 đơn vị được chuyển giao vốn về "siêu" Ủy ban, có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Cùng với đó là 10 tổng công ty khác, chưa kể Vinataba, bao gồm Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VECX); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỉ đồng (tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017 vừa qua).
Theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vừa được ban hành, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.
H.Anh