Vinamilk "bốc hơi" hàng chục nghìn tỷ đồng trên TTCK

(Dân trí) - Mặc dù liên tục đưa ra các thông tin bác bỏ việc nhập nguyên liệu nhiễm độc song trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNM của Vinamilk vẫn bị bán mạnh, 7 phiên liên tục chưa tăng giá.

Trong ngày 26/8, mặc dù các kết luận của cơ quan chức năng về chất lượng sữa Vinamilk trên 16 mẫu thử đều đạt yêu cầu, song trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNM vẫn liên tiếp mất điểm.

Tại thời điểm đầu phiên chiều, VNM mất thêm 3.000 đồng sau chuỗi thời gian không tăng giá liên tục 6 phiên, trong đó, phiên giảm mạnh nhất vào thứ 6 tuần trước, với thiệt hại 7.000 đồng/cp.

Sự sụt giảm bất thường của VNM thời gian gần đây diễn ra giữa bối cảnh vụ bê bối nhiễm độc của ngành sữa vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa và vẫn xuất hiện thêm những diễn biến mới. Sự kiện này phần nào tác động đến Vinamilk, bất chấp tại thông báo gần nhất, tập đoàn này bác bỏ không nhập sữa nguyên liệu từ Trung Quốc.

Giá cổ phiếu VNM lao dốc liên tục trong hơn 1 tuần nay.
Giá cổ phiếu VNM lao dốc liên tục trong hơn 1 tuần nay.

Trước đó, thời điểm vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn của Fonterra vỡ lở, Vinamilk cũng đã liên tục thông tin cho người tiêu dùng, bao gồm cả việc Fonterra phải lên tiếng phủ nhận cung cấp nguyên liệu cho Vinamilk.

Giá cổ phiếu VNM lao dốc liên tục trong hơn 1 tuần nay.
Trong vụ bê bối của ngành sữa, Vinamilk phải liên tục đăng tải thông tin cải chính trước những tin đồn vô căn cứ tràn lan trên internet.

Được biết, cùng thời gian này, trên hàng loạt website, Vinamilk cũng phải đối mặt với những “cáo buộc” và tin đồn vô căn cứ về chất lượng sữa và gây hoang mang tới tâm lý người tiêu dùng.

Chưa rõ những thông tin trên tác động thế nào đến doanh số bán hàng của Vinamilk trong tháng 8 và thời gian trước mắt, song rõ ràng, cổ phiếu VNM đã bị tác động đáng kể trên thị trường chứng khoán.

Giá VNM đã giảm tới 15.000 đồng, tương ứng gần 6% giá trị trong các phiên giao dịch của tuần trước, tương ứng vốn hóa thị trường mất 12.500 tỷ đồng. Sáng nay, mã này tiếp tục mất thêm 1.000/cp và nới rộng biên độ giảm đến 3.000 đồng/cp trong đầu phiên giao dịch chiều.

Nếu như trước đó, nhà đầu nước ngoài liên tục gom mua VNM bất chấp giá trong xu hướng tăng thì thời gian gần đây, khối ngoại liên tục thực hiện bán ròng cổ phiếu này. Tuần vừa rồi, VNM dẫn đầu danh mục bán ròng của khối ngoại trên HSX với trị giá lên tới 141 tỷ đồng.

Nhiều tranh cãi quanh động thái này, cho rằng, đây đơn thuần chỉ là hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ngoại đối với cổ phiếu VNM. Rõ ràng, từ thời điểm đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 19/1/2006 là 53.000 đồng cho tới trước khi bắt đầu chuỗi giảm (phiên 15/8/2013), giá VNM đã tăng 185% (gần 3 lần) – đây là mức tăng lý tưởng trong khi nhiều mã chứng khoán đắt đỏ cùng thời kỳ trải qua khủng hoảng đã chỉ còn tương đương một mớ rau, cọng hành.

Diễn biến giá của VNM từ khi niêm yết năm 2006 cho tới nay.
Diễn biến giá của VNM từ khi niêm yết năm 2006 cho tới nay.

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng 22% cùng kỳ (lãi 3.350 tỷ đồng), hào phóng chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% và chi trả một cách đều đặn, quỹ lợi nhuận chưa phân phối cuối quý II còn hơn 6.100 tỷ đồng thì việc xả hàng VNM trong thời gian vừa qua đặt ra nhiều dấu hỏi cho giới quan sát về việc doanh nghiệp này đang bị vạ lây vì vụ bê bối của Fonterra.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm