1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vinalines thoát lỗ ngoạn mục

(Dân trí) - Năm 2012, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đặt mục tiêu tăng lợi nhuận cao gấp đôi năm 2011, tuy nhiên “điều ước” này chỉ có thể đạt được khi biển không còn “bão tố”, thị trường vận tải biển ấm dần lên và kinh tế trong nước sớm được phục hồi.

Trong năm 2011, ngoài “cú sốc” về vụ chìm tàu Vinalines Queen thì nhiều người đã phải ngạc nhiên trước việc Vinalines công bố khoản lợi nhuận 62 tỷ đồng/24.700 tỷ đồng doanh thu cả năm. Trong khi trước đó với hạm tàu biển quốc gia Việt Nam nhưng 6 tháng đầu năm Vinalines đã báo lỗ tới 660 tỷ đồng, vì vậy lãnh đạo một công ty con của Tổng Công ty 91 này còn cho rằng Vinalines khó có thể thoát khỏi cảnh lần đầu tiên thua lỗ sau 15 năm thành lập.
 
Vinalines thoát lỗ ngoạn mục - 1
Tàu Vinalines

Vinalines không đưa ra bất kỳ lý giải nào cho việc thoát lỗ ngoạn mục trong bản báo cáo tổng kết năm 2011 và triển khai kết hoạch năm 2012, nhưng nhiều người dự đoán rằng sự cứu cánh chắc chắn không đến từ lĩnh vực vận tải biển.

Lí do là tổng sản lượng vận tải của đội tàu Vinalines ước đạt 36,8 triệu tấn/năm, chỉ tăng 1% so với thực hiện năm 2010, tăng 2% với kế hoạch năm 2011. Đội tàu của toàn Tổng Công ty hiện đạt khoảng 3,4 triệu tấn (bao gồm cả đội tàu trọng tải 795 ngàn tấn chuyển giao từ Vinashin). Trong số này, nhiều tàu có giá trị lớn được đầu tư gần đây đang hết sức chật vật trong việc tìm kiếm nguồn hàng.

Trao đổi với báo giới, ông Trần Thiện - Giám đốc Công ty Vận tải Biển Đông nói: “Áp lực đối với doanh nghiệp vận tải biển là rất lớn bởi với mức lãi suất lên tới 23-24%/năm, việc trả lãi, gốc cho khoản vay đầu tư 30 - 40 tỷ đồng cho một tàu cỡ 20.000 tấn đã ngốn gần hết doanh thu kinh doanh tàu. Đó là chưa kể đến việc ngay cả các tàu đang được cho thuê hạn định cũng bị đối tác ép thuê dưới giá thành”.

Trong khi đó, trái ngược với khối vận tải biển, khối cảng năm nay lại đóng vai trò chủ yếu trong việc cân bằng lợi nhuận cho Vinalines. Lãnh đạo Vinaline cho biết tổng sản lượng hàng thông qua cảng do Vinalines quản lý ước đạt hơn 64 triệu tấn, tăng 10% so với thực hiện năm 2010 và 4% so với kế hoạch năm 2011.

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 thấp hơn so với năm 2010 nhưng hoạt động XNK vẫn đạt mức tăng trưởng tốt trong đó có một số mặt hàng như cà phê, cao su, hàng dệt may, gỗ, thủy sản, gạo, sắt thép, máy móc thiết bị, đồ điện tử… tạo điều kiện thuận lợi để các cảng hoàn thành kế hoạch về sản lượng” - đại diện Vinalines cho hay.
 
Mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận

Năm 2012, Vinalines phấn đấu tổng doanh thu đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 10%; tổng lợi nhuận đạt 120 tỷ đồng, tăng 93% so với thực hiện năm 2011. Mức lợi nhuận này chỉ bằng 1/8 năm 2009 nhưng là áp lực rất lớn đối với Vinalines vì thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, kinh tế thế giới bất ổn và hiện tượng thừa cung trọng tải chưa kịp điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục gây sức ép lên mức cước vận tải biển.

Ngoài việc cầu cho giá cước vận tải không tiếp tục tụt giảm, Vinalines cũng còn phải mong cho hoạt động xuất nhập khẩu trong nước gia tăng để tạo chân hàng ổn định cho khối cảng biển - “đầu tàu” của hoạt động kinh doanh của Vinalines năm 2012.

Để tránh phải “neo” thuộc quá lớn vào sự phục hồi của thị trường vận tải biển, Vinalines đã đề ra một loạt giải pháp trong đó đầu tiên là việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để đưa vào khai thác đồng bộ, tạo nguồn thu như: Cảng Cái Cui GĐ 2 (Tp.Cần Thơ); Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước GĐ 1; Cảng container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA, NM sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu); cảng Sơn Trà (Đà Nẵng); Bến số 2 cảng Ba Ngòi (Khánh Hoà); cảng Năm Căn (Cà Mau); Bến 2, 3, 4 cảng Cái Lân, Cảng tổng hợp Đình Vũ, Kho bãi container Vinalines tại Hải Phòng…

Cùng với đó, việc thực hiện đề án sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp Tổng Công ty giai đoạn 2011 - 2015 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của Vinalines.

Mục tiêu của Vinalines trong 6 tháng đầu năm 2012 là hoàn thành việc cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa, đồng thời tiến hành các thủ tục chuyển đổi một số doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và công ty TNHH một thành viên.

Quỳnh Anh