Vinalines rút toàn bộ vốn khỏi 3 công ty niêm yết
(Dân trí) - Với mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư, trong vòng 1 tháng trở lại đây, Vinalines đã thực hiện thoái vốn toàn bộ khỏi 3 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM: Gemadept, Đại lý vận tải Safi và Viconship.
Hoạt động chủ yếu trong năm nay của Vinalines là tái cơ cấu.
Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến cổ đông nội bộ lên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX).
Theo đó, Vinalines đã thực hiện thoái toàn bộ vốn khỏi 3 công ty niêm yết trên HSX bao gồm TCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển Gemadept (GMD), CTCP Đại lý vận tải Safi (mã SFI) và CTCP Container Việt Nam (Viconship - mã VSC).
Tại GMD, Vinalines sở hữu 51.041 cổ phiếu, chiếm 0,09% vốn điều lệ. Người đại diện phần vốn của Vinalines tại GMD là ông Đỗ Văn Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị GMD. Hiện tại, cá nhân ông Nhân cũng đang nắm 687.950 cổ phiếu GMD.
Thời gian thoái vốn khỏi GMD của Vinalines đã được thực hiện trong vòng 1 tháng từ 16/5 đến 16/6/2013 nhằm tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Vinalines cũng đã hoàn tất thoái vốn khỏi CTCP Đại lý vận tải Safi (mã SFI). Quy mô thoái vốn của Vinalines tại SFI khá lớn với khối lượng cổ phiếu bán ra lên tới 1.178.244 cổ phiếu, chiếm 13,54% vốn điều lệ SFI. Thời gian thoái vốn từ 19/6 đến 18/7/2013.
Người đại diện phần vốn của Vinalines tại SFI là ông Trần Mạnh Hà, giữ cương vị Ủy viên Hội đồng quản trị SFI. Hiện tại cá nhân ông Hà đang nắm giữ 14.592 cổ phiếu SFI, chiếm 0,17% vốn điều lệ.
Một công ty khác nằm trong diện thoái vốn của Vinalines là CTCP Container Việt Nam (Viconship - mã VSC). Hoạt động thoái vốn ở VSC được Vinalines thực hiện từ 21/5 đến 21/6/2013 dưới hình thức giao dịch khớp lệnh.
Quy mô thoái vốn của Vinalines tại VSC ở mức 415.260 cổ phiếu tương ứng 1,74% vốn điều lệ VSC. Người đại diện phần vốn của Vinalines tại VSC là ông Nguyễn Việt Hòa và ông Đặng Sâm. Ông Hòa là Chủ tịch Hội đồng quản trị VSC với sở hữu 417.166 cổ phiếu công ty này, chiếm 1,7% vốn điều lệ. Trong khi đó ông Đặng Sâm không nắm cổ phiếu nào tại công ty.
Trong năm 2012, hầu hết các cảng biển trong tổng công ty Vinalines đều gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cảng 100% vốn Nhà nước như Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Nhơn, Cần Thơ, Cái Cui (được đầu tư chủ yếu bằng vốn ngân sách) dù có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, các cảng liên doanh với nước ngoài như CICT, SSIT, SP-PSA và CMIT hiện đều lỗ lớn.
Trong năm 2013, Vinalines xác định mục tiêu chủ yếu là sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống của người lao động.
Mai Chi