Vinalines rao bán công ty trông ụ nổi 83M sau 9 năm tiêu tốn cả "núi" tiền
(Dân trí) - Giá khởi điểm bán Vinalines Shipyard được đưa ra mức 81,8 tỷ đồng. Trong khi đó, với vốn điều lệ 800 tỷ đồng nhưng đến tháng 9/2016 công ty này chỉ còn 136,1 tỷ đồng tổng tài sản, lỗ ròng lên tới 151,3 tỷ đồng; số tiền sử dụng đất 136,2 tỷ đồng không có nguồn tài chính để nộp trong khi tiền phạt chậm nộp đã gần 100 tỷ đồng.
Gần 10 năm chỉ một nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tài sản ụ nổi 83M
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây vừa thông báo bán đấu giá phần vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (Vinalines Shipyard).
Theo đó, Vinalines muốn chuyển nhượng khối lượng cổ phần trị giá 262,5 tỷ đồng tại Vinalines Shipyard với giá bán khởi điểm gần 81,8 tỷ đồng. Lượng cổ phần đưa ra đấu giá tương đương 88,65% vốn điều lệ thực góp của Vinalines tại Vinalines Shipyard. Dự kiến, phiên đấu giá sẽ diễn ra vào sáng ngày 24/4 tại trụ sở HNX.
Nhà đầu tư quan tâm có thể đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ sáng ngày 27/3 đến chiều 17/4 tại các đại lý đấu giá. Thời gian nộp tiền mua phần vốn góp diễn ra từ ngày 24/4 đến 4/5/2017.
Theo bản công bố thông tin của Vinalines Shipyard, tại thời điểm 31/12/2016, Vinalines là đồng chủ sở hữu tại công ty này (nắm giữ 88,65% vốn điều lệ thực góp tại công ty này).
Thỏa thuận hợp tác đầu tư ký ngày 18/1/2008 giữa Vinalines và Công ty CP Phát triển Hàng hải (Vimadeco) thống nhất đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam có khả năng sửa chữa một cách toàn diện tàu biển có trọng tải đến 100.000DWT trong ụ và sửa chữa bộ phận tàu có trọng tải đến 50.000DWT... Mục tiêu là phục vụ sửa chữa đội tàu của Vinalines, tàu biển thuộc sở hữu của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước khác, góp phần chủ động trong việc cung cấp dịch vụ vận tải biển của Vinalines, mang lại hiệu quả kinh tế cho các bên góp vốn đầu tư.
Đến tháng 3/2008, Hội đồng quản trị Vinalines thông qua đề án thành lập Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines có vốn điều lệ 300 tỷ đồng với cơ cấu góp vốn Vinalines góp 80%, tương đương 240 tỷ đồng; Vimadeco góp 20% tương đương 60 tỷ đồng.
Sau đó, đến tháng 8/2010, Hội đồng thành viên Vinalines quyết định tăng vốn điều lệ của Vinalines Shipyard lên 800 tỷ đồng và điều chỉnh tỷ lệ vốn góp với việc Vinalines góp 85%, tương đương 680 tỷ đồng, Vimadeco góp 15% tương đương 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi thành lập vào năm 2008 cho đến nay, Vinalines Shipyard hầu như không có hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư chưa được triển khai. Hoạt động chủ yếu của Vinalines Shipyard là quản lý và bảo vệ tài sản là ụ nổi 83M.
Theo hồ sơ vụ án xét xử Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines và đồng phạm, ụ nổi 83 M được Vinalines ký kết hợp đồng mua lại từ một đối tác ở Liên bang Nga vào năm 2007. Đáng chú ý, công ty sở hữu ụ nổi 83M trước đây là Nakhodka thỏa thuận giá bán ụ nổi với Công ty môi giới AP (Singapore) chỉ là 2,3 triệu USD nhưng Vinalines mua ụ cũ hết niên hạn sử dụng này với chi phí tổng cộng lên tới 9 triệu USD. Thêm tiền lai dắt về, sửa chữa khiến mức đầu tư đội giá thành 19 triệu. Do mua ụ nổi “quá đát”, đã có tuổi thọ 42 năm nên sau khi chuyển tải về Việt Nam được đưa vào Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin ở tỉnh Khánh Hòa để sửa chữa.
Trong thương vụ mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines cùng một số cộng sự đã “rút ruột” công quỹ để chia nhau 359 tỷ đồng, nên phải vào vòng tố tụng hình sự.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 7/5/2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử hình phạt tổng hợp tử hình về hai tội tham ô và cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế đối với Dương Chí Dũng. Cùng hai tội danh nêu trên, nguyên Tổng giám đốc Vinalines Shipyard Trần Hải Sơn cũng xử phạt 22 năm tù.
Từ công ty vốn điều lệ 800 tỷ đồng đến "không còn tài sản để hoạt động"
Báo cáo tài chính của Vinalines Shipyard cho thấy, trong năm 2015, công ty này lỗ ròng 1,85 tỷ đồng, giảm lỗ gần 80% so với năm 2014; tổng giá trị tài sản đạt 321,7 tỷ đồng, giảm hơn 50%. Chín tháng đầu năm 2016 thì tổng giá trị tài sản bất ngờ chỉ còn 136,1 tỷ đồng, lỗ ròng lên tới 151,3 tỷ đồng.
Giải trình cho nguyên nhân khiến tổng tài sản giảm mạnh, Vinalines Shipyard cho biết, chủ yếu do điều chỉnh giảm giá trị Ụ nổi 83M. Tài sản cố định hữu hình tại 30/9/2016 còn 1,3 tỷ đồng do thanh lý ụ nổi 83M vào tháng 5/2016.
Theo đó, được sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của các chủ sở hữu (Vinalines và Vimadeco), vào tháng 4/2016, Vinalines Shipyard đã tổ chức đấu giá thành công ụ nổi 83M với giá trị 38,5 tỷ đồng. Đồng thời, do ụ nổi đã bàn giao cho người mua trong tháng 5/2016 nên tại thời điểm 30/6/2016, công ty này đã thực hiện thanh lý hợp đồng lao động đối với công nhân trông coi ụ nổi.
Hiện số lao động của Vinalines Shipyard là 2 người, gồm Tổng giám đốc và Kế toán trưởng, đây là nhân sự tối thiểu đảm bảo duy trì hoạt động Vinalines Shipyard cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến định hướng theo chỉ đạo của các chủ sở hữu.
Trong báo cáo của Vinalines Shipyard, công ty này thẳng thắn thừa nhận không có kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo do dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines không tiếp tục được triển khai, doanh nghiệp không còn tài sản để hoạt động.
Trong khi đó, quỹ đất được quy hoạch để đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines có diện tích 92,55 ha, tổng chiều dài đường bờ 2.607m, vị trí thuận lợi, nằm liên kề các cảng dịch vụ trong khu công nghiệp Mỹ Xuân, giao thông thuận lợi. Khu đất đã được Vinalines Shipyard thực hiện thủ tục xin cấp đất, lập quy hoạch chi tiết 1/500, hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, đánh giá tác động môi trường, nộp thuế trước bạ... với tổng số tiền khoảng hơn 33 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền sử dụng đất 136,2 tỷ đồng, Vinalines Shipyard cho biết, không có nguồn tài chính để nộp. Theo thông báo của đơn vị thuế, số tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất đã lên tới gần 100 tỷ đồng.
Bích Diệp