Vinalines “bốc hơi” hơn 16.000 tỷ đồng tài sản dài hạn trong năm 2015
(Dân trí) - Gây ấn tượng với việc chỉ trong vòng 1 năm đã đưa con số nợ luỹ kế giảm bớt được 16.000 tỷ đồng, giảm 32.000 tỷ đồng nợ phải trả, thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh chính của Vinalines vẫn thua lỗ trong 2015 và tài sản dài hạn thì lại “bay” mất hơn 16.000 tỷ đồng.
Mặc dù đăng tải báo cáo tài chính năm 2015 khá muộn, đúng 8 tháng sau khi đã kết thúc năm, song những thông tin được công bố tại báo cáo tài chính hợp nhất lần này của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn hé lộ khá nhiều chi tiết thú vị.
Tăng đầu tư tài chính
Đến thời điểm 31/12/2015, Vinalines có 32.154,6 tỷ đồng tổng tài sản, sụt giảm hơn 15.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm tài sản cố định dài hạn của doanh nghiệp này. Theo đó, trong năm 2015, tài sản dài hạn của tổng công ty này giảm tới hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó riêng tài sản cố định giảm 11.313 tỷ đồng còn hơn 17.900 tỷ đồng vào cuối 2015.
Phần xây dựng cơ bản dở dang chiếm tới hơn 2.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 23.400 tỷ đồng tài sản dài hạn của tổng công ty, song con số này chỉ bằng chưa đầy 1/3 so với 1 năm trước đó (đầu năm 2015, Vinalines có gần 6.700 tỷ đồng giá trị xây dựng cơ bản dở dang).
Đáng chú ý, mặc dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu, song trong năm vừa qua, Vinalines lại tăng đáng kể đầu tư tài chính dài hạn xấp xỉ 250 tỷ đồng lên con số 1.419,5 tỷ đồng, trong đó, phần đầu tư vào công ty con tăng gấp 13,6 lần; đầu tư vào công ty liên doanh liên kết tăng hơn 9%. Đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng lên hơn 1.200 tỷ đồng (tương ứng tăng gần 28%), chủ yếu là do gia tăng ở các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 4.300 tỷ đồng
Đến cuối 2015, bảng cân đối của Vinalines ghi nhận tăng 430 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, đạt khoảng 8.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn vẫn vượt tài sản ngắn hạn tới hơn 4.300 tỷ đồng mặc dù so với cuối 2014, nợ ngắn hạn của Vinalines đã giảm 18.907 tỷ đồng xuống còn hơn 13.000 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Vinalines tại thời điểm 31/12/2015 ở mức 25.572,1 tỷ đồng, giảm 55,6% so với đầu năm.
Nhờ vậy nên áp lực tài chính lên Vinalines năm vừa qua đã giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính đã giảm còn một nửa với 1.325 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay còn 650,6 tỷ đồng (giảm 67%).
Nói cách khác, nếu như trước đây, cứ mỗi một ngày trôi qua tổng công ty này phải trả tới 5,4 tỷ đồng tiền lãi thì con số này trong năm vừa qua chỉ còn 1,8 tỷ đồng.
Giảm gần 16.000 tỷ đồng lỗ lũy kế trong 1 năm
Một điểm sáng khá rõ rệt trong cân đối vốn của Vinalines năm vừa qua đó là doanh nghiệp này đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Theo đó, vốn chủ sở hữu của Vinalines từ tình trạng âm 9.808 tỷ đồng vào cuối 2014 đã cải thiện lên mức dương 6.582 tỷ đồng vào cuối 2015. Kết quả này là nhờ Vinalines trong vòng 1 năm đã giảm được gần 16.000 tỷ đồng lỗ lũy kế (từ mức hơn 19.200 tỷ đồng xuống còn 3.346 tỷ đồng).
Năm 2015, Vinalines cũng báo lãi trước thuế 65,8 tỷ đồng (cải thiện đáng kể so với kết quả lỗ gần 2.500 tỷ đồng của 2014), tuy nhiên, thành tích này lại không đến từ sản xuất kinh doanh chính. Năm qua, Vinalines vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 150,7 tỷ đồng nhưng bù vào đó có 216,5 tỷ đồng lãi ròng từ hoạt động khác.
Trong hoạt động kinh doanh, năm ngoái, Vinalines thu về 1.354,5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính (gấp khoảng 3 lần so với 2014) và vẫn ghi nhận tăng hơn 4 lần lỗ từ các công ty liên doanh liên kết (434 tỷ đồng). Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, Vinalines báo lỗ ròng 180,8 tỷ đồng trong năm 2015.
Do không đăng kèm phần thuyết minh của báo cáo tài chính nên người đọc báo cáo vẫn không thể biết được Vinalines đã bán những tài sản nào trong năm qua và chi tiết những khoản doanh thu mà hoạt động này mang về cho tổng công ty. Song có thể chắc chắn rằng, nhờ việc thanh lý tài sản nên Vinalines đã giải quyết đáng kể lỗ lũy kế cũng như nợ phải trả.
Bích Diệp