Vinalines được bán tài sản dự án dang dở để "dọn dẹp" nợ

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đồng ý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Vinalines tổ chức thực hiện bán tài sản thuộc các dự án đóng tàu dở dang để giảm thiểu thiệt hại và thu hồi nợ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Chưa đến Trung thu, Kinh Đô đã cán chỉ tiêu năm
* "Đặc sản" bia vỉa hè nguy cơ bị xóa sổ
* Giá vé tàu hỏa giảm từ 30% - 50% từ ngày hôm nay
* Vinalines được dùng tiền phát hành trái phiếu của công ty con để xử lý nợ
* Thảm cảnh từ những ông chủ “tay không bắt giặc”

Kết luận tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), mặc dù ghi nhận những kết quả ban đầu đạt được, song Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn đánh giá, việc thực hiện Đề án còn chậm và nhiều bất cập.
 
Theo đó, các khoản nợ gốc chưa được xử lý triệt để, lãi vay vẫn còn phát sinh; việc cổ phần hóa doanh nghiệp chưa đạt được kết quả như phương án đề ra, chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư và lĩnh vực kinh doanh cảng biển. Thêm vào đó, do khó khăn của thị trường, hoạt động kinh doanh vận tải biển của Vinalines còn rất khó khăn, nhất là về thị phần vận chuyển hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu.
 
Để giảm lỗ, 
Để giảm lỗ, Vinalines phải bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả.
 
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, thời gian tới với triển vọng không mấy khả quan của thị trường vận tải biển, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được giao phối hợp với Bộ Công Thương thống nhất thực hiện các giải pháp nâng cao thị phần vận tải biển cho đội tàu của Vinalines, trong đó lưu ý đến thị trường vận chuyển than, xi măng, quặng, lúa gạo và hàng dệt may. Đồng thời nghiên cứu, thiết lập các tuyến vận tải bằng đường biển và đường thủy nội địa để tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vận tải thủy trong nước.
 
Về phía Vinalines, Phó Thủ tương yêu cầu doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án đã được duyệt.
 
Bộ Giao thông vận tải căn cứ tình hình thực tế và quy định của Thủ tướng, nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ mức tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng biển nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp cảng biển sau cổ phần hóa.
 
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì xây dựng phương án xử lý nợ của các doanh nghiệp được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Vinalines theo các giải pháp đã áp dụng đối với các doanh nghiệp của Vinashin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Thông báo của VPCP lần này cũng cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc phương án Công ty Mua bán nợ & Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) tham gia mua lại nợ của Vinalines tại các tổ chức tín dụng. Theo đó, Bộ Tài chính sớm tổ chức thẩm định, đánh giá các phương án tái cơ cấu tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) các đơn vị, Phó Thủ tướng cũng nhất trí về nguyên tắc nhằm giúp Vinalines có vốn để tạo nguồn cơ cấu các khoản nợ. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn Vinalines xây dựng phương án thực hiện cụ thể, tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
 
Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Vinalines sẽ được phép tổ chức thực hiện bán tài sản thuộc các dự án đóng tàu dở dang để giảm thiểu thiệt hại và thu hồi nợ.
 
Về vướng mắc giữa Vinalines và Ngân hàng TMCP Liên Việt, NHNN được giao chủ trì hướng dẫn các bên sớm giải quyết, đảm bảo thực hiện việc quản lý, sử dụng các nguồn tiền của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
 
Theo Đề án Tái cơ cấu Vinalines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinalines sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, là doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong 3 lĩnh vực này.
 
Vinalines sẽ tập trung khai thác các cảng hiện có, trong đó ưu tiên đầu tư đồng bộ để khai thác có hiệu quả cụm cảng phía Bắc tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh và cụm cảng phía Nam khu vực Cái Mép – Thị Vải và khu vực TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ rà soát cắt giảm chi phí, đảm bảo khai thác cảng biển có hiệu quả, không tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong để kêu gọi các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
 
Bên cạnh việc cơ cấu lại đội tàu phù hợp với nhu cầu của thị trường thì Vinalines có phương án bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả để giảm lỗ. Tổng công ty cũng sẽ rà soát lại các chương trình đóng mới tàu biển phù hợp với khả năng tài chính của mình và nhu cầu thị trường. Trước mắt, dừng triển khai đóng mới 6 tàu, giãn tiến độ thực hiện 11 tàu và tập trung đóng mới dứt điểm 7 tàu để đưa vào khai thác trong các chương trình đóng mới tàu biển đã ký với Vinashin (bây giờ là SBIC).
 
Đề án tái cơ cấu của Vinalines cũng ra kế hoạch phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, đặc biệt là dịch vụ logistics, hướng đến dịch vụ trọn gói và mở rộng ra nước ngoài; hình thành một số cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa và các loại hình dịch vụ hàng hải tiên tiến khác ở các khu vực đầu mối vận tải. Tổng công ty sẽ chuyển đổi các công ty công nghiệp tàu thủy thành các đơn vị kinh doanh dịch vụ hàng hải và tiến hành cổ phần hóa khi đủ điều kiện.
 
Bích Diệp
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước