Vietstar Airlines chật vật xin giấy phép bay

(Dân trí) - Sau 9 tháng xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines vẫn chưa có được văn bản xác nhận vốn theo yêu cầu của Nghị định 30 mặc dù Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thực tế nguồn vốn góp của chủ sở hữu đã đủ 700 tỷ đồng song lợi nhuận chưa phân phối đang âm 47,3 tỷ đồng.

Hồi tháng 8/2015, Công ty CP hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) trình hồ sơ xin cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, cho đến nay, chặng đường để có được giấy phép của Vietstar Airlines vẫn còn khá gian nan.

Trước đó, hãng hàng không này đã được cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại vào ngày 16/6/2011. Kể từ khi được cấp phép năm 2011, công ty đã cung cấp các dịch vụ hàng không chung phục vụ kinh tế, xã hội và du lịch; các dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (MRO), dịch vụ khai thác cảng hàng không.

Theo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của công ty này đã đáp ứng đủ các điều kiện về cấp giấy kinh doanh vận chuyển hàng không, bao gồm về ngành nghề kinh doanh, về phương án đảm bảo tàu bay khai thác, về tổ chức bộ máy, về vốn, về phương án kinh doanh và về chiến lược phát triển sản phẩm.

Riêng yêu cầu về văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Nghị định 30 ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Bộ GTVT cho rằng do việc xác nhận này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thực hiện khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp 2014 nên có thể sử dụng kết quả thủ tục hành chính này để thay thế cho văn bản xác nhận theo yêu cầu.

Trong khi Bộ GTVT cho rằng Vietstar Airlines đã đáp ứng đủ yêu cầu thì Bộ Tài chính đánh giá, hồ sơ của doanh nghiệp này chưa hợp lệ
Trong khi Bộ GTVT cho rằng Vietstar Airlines đã đáp ứng đủ yêu cầu thì Bộ Tài chính đánh giá, hồ sơ của doanh nghiệp này chưa hợp lệ

Tuy nhiên, nêu ý kiến về vấn đề này, Bộ Tài chính dẫn quy định tại Nghị định 30 cho biết, điều kiện về vốn để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác tối thiểu phải đạt 700 tỷ đồng với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 300 tỷ đồng với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Đây mới chỉ là điều kiện đặt ra với những doanh nghiệp chỉ khai thác đến 10 tàu bay.

Còn nếu khai thác từ 11 đến 30 tàu bay thì các con số tương ứng phải là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng; khai thác trên 30 tàu bay thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có 1.300 tỷ đồng (bay quốc tế) và 700 tỷ đồng (bay nội địa).

Ngoài ra, Nghị định 30 cũng yêu cầu văn bản xác nhận vốn với từng trường hợp. Với hình thức góp vốn bằng tiền mặt, Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp phải có được văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng. Việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp được cấp giấy phép hoặc khi nhận được văn bản thông báo từ chối cấp giấy phép.

Với hình thức góp vốn bằng tài sản, bất động sản thì Nghị định 30 lại quy định đòi hỏi phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản...

Như vậy, theo Bộ Tài chính, việc xác nhận vốn của Vietstar Airlines mới chỉ được Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM thực hiện và chưa có các văn bản xác nhận nào khác. Theo đó, văn bản xác định vốn như trên là chưa đủ cơ sở để khẳng định công ty đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định của Nghị định 30.

Trong thông cáo gần đây của Bộ GTVT, cơ quan này khẳng định, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Vietstar Airlines, thực tế nguồn vốn góp của chủ sở hữu đã đủ 700 tỷ đồng chứ không chỉ dừng ở mức 652.7 tỷ đồng như một số thông tin đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, do công ty đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu; toàn bộ hoạt động đầu tư được dùng từ nguồn vốn góp và chưa có doanh thu nên lợi nhuận chưa phân phối đang âm 47,3 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết thêm, theo quy định về trình tự, thủ tục để được cấp Giấy phép tại Điều 14 Nghị định 30, nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, doanh nghiệp còn có 6 tháng để hoàn thiện thủ tục cấp Giấy phép và bổ sung hồ sơ xin cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không để Bộ GTVT xem xét, cấp giấy phép chính thức.

Hiện Việt Nam có 4 hãng hàng không dân dụng là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO. Nếu được cấp phép, Vietstar Airlines sẽ là hãng hàng không thứ 5 với hai vai trò vừa vận chuyển hành khách vừa vận chuyển hàng hóa.

Bích Diệp