Vietnam Airlines lo ngại phải tăng giá vé máy bay trong năm 2014

(Dân trí) - Dự kiến đến 2014, nhà ga T2 sân bay Nội Bài sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng cho các đường bay quốc tế nhằm giải quyết tình trạng quá tải hiện nay. Tuy nhiên, chi phí sử dụng cao hơn cũng sẽ gây áp lực tăng giá lên các hãng hàng không.

Vietnam Airlines đã chọn xong công ty tư vấn và dự kiến cổ phần hóa vào cuối 2014.
Vietnam Airlines đã chọn xong công ty tư vấn và dự kiến cổ phần hóa vào cuối 2014.

Chuẩn bị chốt chương trình đánh giá tài sản Vietnam Airlines để IPO

Trao đổi với PV Dân trí tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản diễn ra ngày 5/0, ông Dương Trí Thành – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Chính phủ và Bộ Giao thông đã phê duyệt chương trình IPO của Vietnam Airlines.

Hiện tại, Tổng công ty đã chọn xong tư vấn. Theo quy trình, đến hết tháng 9 sẽ chốt chương trình đánh giá tài sản.

Ông Thành cũng cho biết, kỳ vọng của Tổng công ty, cuối 2014 sẽ cổ phần hóa. Hiện tại, Vietnam Airlines đang là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm 49% thị trường, trong đó thị phần nội địa khoảng 61% và các đường bay quốc tế khoảng 40%.

Nhận xét về thị trường hàng không Việt Nam, ông Thành cho biết, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển thị trường hàng không nhanh nhất thế giới với mức 14,5% giai đoạn 2001 – 2013, tương đương với khoảng 30 triệu lượt khách/năm.

“Kinh nghiệm của chúng tôi trong những năm vừa rồi cho thấy, tốc độ tăng trưởng dung lượng thường bằng 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Nhất là giai đoạn gần đây khi các hãng hàng không giá rẻ đưa vào khai thác nội địa với mức giá phù hợp với thu nhập người dân đã đẩy tốc độ tăng trưởng ngành cao hơn. Từ nay đến năm 2020, dự báo mức tăng trưởng vẫn trên dưới 10%”.

Tăng trưởng nhanh và quá tải

Với mục tiêu trở thành thị trường hàng không lớn thứ 3 trong khu vực, dự kiến dung lượng thị trường sẽ mở rộng từ 92,8 triệu khách năm 2010 lên 132 triệu khách năm 2025.

Tuy nhiên, trên phương diện là bên khai thác, sử dụng dịch vụ, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, hạ tầng ngành hàng không vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Thành cho biết, nhà ga T1 của Nội Bài đã quá tải, cuối năm ngoái trên 11 triệu khách trong khi công suất thiết kế là 6 triệu khách. Cuối năm 2014, đầu 2015, theo dự kiến, toàn bộ nhà ga T1 sẽ được đưa về sử dụng cho các tuyến bay quốc nội, còn các tuyến quốc tế sẽ khai thác ở nhà ga T2.

Tuy nhiên, việc sử dụng vốn ODA của Nhật Bản trong xây dựng các nhà ga bên cạnh tạo ra những đột phá trong hạ tầng cơ sở hàng không cũng thì mạng lại những vấn đề nhất định.

Theo đó, là người sử dụng và trả phí sân bay, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mặc dù chất lượng tốt, tỷ suất đầu tư cao nhưng chi phí các hãng hàng không phải chịu cũng lớn hơn, qua đó chính hành khách là người phải “gánh vác”.

Ông Thành kiến nghị, Chính phủ nên có những thu xếp về tài chính và có những chính sách ưu tiên nhất định cho các hãng bay.

Ngoài ra, theo ông Thành, với công suất của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, đến 2018 cũng sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, sân bay Long Thành (nhằm thay thế sân bay Tân Sơn Nhất) dự kiến phải đến 2025 mới "le lói" được hoàn thành, như vậy khoảng trống 7-8 năm thậm chí là 9-10 năm ở giữa là một vấn đề lớn.

Ông Thành cho rằng, khó khăn triển khai Long Thành hiện nay cũng chính là biện pháp vốn. Vì vậy, để giải quyết được yếu tố này, Chính phủ cần có những chính sách và giải tỏa về hành lang pháp lý để hút vốn xây dựng sân bay, sớm đưa vào sử dụng.

Bích Diệp