Vietlott tuột dốc, vé số truyền thống lên ngôi: Vì sao?

Nhiều người kinh doanh vé số Vietlott thừa nhận doanh số bán ra đang có xu hướng giảm dần.

Nếu các chỉ số kinh doanh của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đang bị chững lại, không đạt được các kế hoạch đặt ra thì xổ số truyền thống đang có doanh thu khủng lên đến con số ngàn tỉ đồng.

“Vietlott đóng cửa là dễ hiểu”

Trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM) từng có hai cửa hàng Vietlott chốt chặn ở hai đầu đường. Nhưng đến nay một cửa hàng đã bỏ cuộc, buộc phải đóng cửa, sang mặt bằng cho chủ kinh doanh lĩnh vực ăn uống, nguyên nhân rất đơn giản thu không đủ bù chi. Cửa hàng còn lại tồn tại là do Vietlott tự đứng ra mở và thuê nhân viên quản lý.

Anh Hải, người từng có nhà mở đại lý Vietlott trên đường Nguyễn Kiệm, cho biết: Doanh thu bán vé số bình quân một ngày tầm 2-3 triệu đồng, cao nhất 4 triệu, một tháng dao động khoảng 90-120 triệu. Số tiền thấy lớn nhưng đại lý Vietlott chỉ được hưởng phần hoa hồng 5%, tương đương 4,5-6 triệu đồng trong khi gánh chịu toàn bộ tiền điện, lương nhân viên và hàng loạt khoản chi phí khác.

“Tôi quyết định đóng cửa cho người khác thuê kinh doanh, cao gấp 6-7 lần tiền làm cho Vietlott” - anh Hải nói.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về Vietlott (thời gian tiến hành kiểm toán từ ngày 11-9 đến 30-10-2018) vừa công bố cũng chứng minh rõ cho điều này. Theo đó, hiệu suất hoạt động của hệ thống còn chưa hiệu quả, có nhiều điểm bán hàng đóng cửa, nhiều ngày không kinh doanh. Trong sáu tháng đầu năm 2018, trung bình khoảng 18% số lượng điểm bán hàng không phát sinh doanh số, tương đương gần 600 điểm bán hàng.

Đặc biệt trong tháng 5-2018, sau khi jackpot 1 của sản phẩm power 6/55 có khách hàng trúng (303,9 tỉ đồng), tỉ trọng điểm bán hàng đóng cửa không bán hàng tăng rất cao, lên tới 31%.

Ông Nguyễn Thanh Đạm, Tổng Giám đốc Vietlott, xác nhận những đánh giá của báo cáo kiểm toán là đúng, đồng thời giải thích việc số lượng điểm bán hàng giảm đáng kể thời gian qua là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

“Thời gian đầu, các đại lý, cửa hàng có doanh thu tốt nhưng về sau, khi thị trường bão hòa, một số cửa hàng không còn giữ được hiệu quả kinh doanh” - ông Đạm nói.

Theo luật sư Trần Đình Phương, chuyên gia tài chính và chứng khoán, hầu hết đại lý Vietlott đều hiện diện tại các con đường có lưu lượng lưu thông lớn. Điều này cũng có nghĩa tiền thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực này rất cao. Với giá bán 10.000 đồng/tờ vé số, để đạt điểm hòa vốn cần bán hàng ngàn tờ mỗi ngày nhưng với việc thuê mặt bằng để kinh doanh khó có thể kiếm được lợi nhuận, trong khi đó tỉ lệ hoa hồng quá thấp.

“Chưa kể gần đây Vietlott bắt tay với hệ thống siêu thị Vinmart để đưa vé số vào bán đã dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau trong một khu vực. Khi miếng bánh không gia tăng mà phải phân chia cho quá nhiều người, việc các cửa hàng Vietlott đóng cửa không có gì quá khó hiểu. Trong cuộc đua mở rộng mạng lưới với vé số truyền thống, Vietlott dù sở hữu hàng ngàn điểm bán cũng khó có thể cạnh tranh với những người bán dạo vé số truyền thống” - ông Phương nói.

Vietlott tuột dốc, vé số truyền thống lên ngôi: Vì sao? - 1
Vietlott tuột dốc, vé số truyền thống lên ngôi: Vì sao? - 2

Xổ số truyền thống và Vietlott đã và đang bước vào cuộc chiến giành thị phần, khách hàng tại Việt Nam. 

Cuộc đảo chiều ngoạn mục

Vietlott từng đưa ra dự báo chiến lược doanh thu giai đoạn 2017-2025 có tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Nhưng nhìn về giai đoạn 2017-2018 cho thấy điều này là quá tầm với của Vietlott. Ngược lại, sự tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận mạnh mẽ lại đang thuộc về các công ty xổ số truyền thống.

Cụ thể, theo báo cáo của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, trong năm ngoái doanh thu của 21 công ty vé số tại các tỉnh, thành miền Nam đạt 82.740 tỉ đồng. Trong đó doanh thu xổ số truyền thống là 82.302 tỉ đồng, tăng 16,65% so với năm 2017. Riêng quý I-2019, doanh thu đạt 23.863 tỉ đồng, trong đó doanh thu xổ số truyền thống là 23.664 tỉ đồng, tăng 13,39% so với cùng kỳ.

Đứng đầu thị trường xổ số hiện nay là Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM với doanh số là 7.725 tỉ đồng tính trong năm 2018, tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với cùng kỳ. Một loạt công ty xổ số các tỉnh cũng có doanh số khủng, không thua kém các bậc đàn anh, thậm chí vượt mặt cả Vietlott, như Tây Ninh là 4.162 tỉ đồng, Tiền Giang (4.515 tỉ đồng) hay Đồng Nai (4.108 tỉ đồng),…

Theo ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, hoạt động kinh doanh xổ số của khu vực miền Nam có thuận lợi rất lớn do được Bộ Tài chính cho tăng doanh số phát hành. Ngoài ra do việc tăng giải thưởng lớn và người chơi trúng nhiều nên các công ty phía Nam mở rộng được thị trường, tiêu thụ vé số nhiều hơn.

Mặt khác, các công ty cũng biết cách quảng bá hình ảnh về trúng trả thưởng, thực hiện các hoạt động phúc lợi xã hội đã giúp tăng uy tín và thu hút khách hàng.

Lý giải thêm về vấn đề này, chủ một đại lý thừa nhận bán vé số truyền thống lợi nhuận cao hơn Vietlott, đặc biệt trong bối cảnh Vietlott đang có xu hướng giảm dần. “Một ngày đại lý thu tiền hoa hồng của xổ số truyền thống 12% trên tổng doanh thu bán ra, còn Vietlott chỉ là 5%” - chủ đại lý này tiết lộ.

Còn theo một số chuyên gia, vé số truyền thống tăng trưởng nhờ vào biết thay đổi chiến lược kinh doanh như tăng tiền giải thưởng, mở ra nhiều loại hình xổ số khác như xổ số cào, lô tô, điện toán,… Qua đó hấp dẫn người mua và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, nhiều người quay lưng với Vietlott vì họ nghi ngờ tính minh bạch, chưa tin về tính xác thực của vé trúng giải độc đắc.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Phương cũng cho rằng sau quá trình đầu tiên bùng nổ, gây chú ý bởi sự mới lạ cho người tiêu dùng, xác suất trúng giải giữa Vietlott và truyền thống không khác biệt. Do vậy doanh thu của loại hình xổ số mà Vietlott phát hành đang về đúng thực chất.

Không còn hấp dẫn như lúc mới ra mắt

Trong năm 2018, tổng doanh thu bình quân của 21 công ty xổ số miền Nam đạt hơn 3.900 tỉ đồng, nhiều tỉnh, thành ở vùng xa hẻo lánh cũng có doanh thu không thua kém Vietlott. Cũng trong năm này, các công ty xổ số truyền thống khu vực miền Nam nộp ngân sách gần 27.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, do mạng lưới bán hàng suy giảm, đồng nghĩa với việc kinh doanh sản phẩm Vietlott không còn tốt như thời điểm mới ra mắt. Báo cáo tài chính năm 2018 của Vietlott ghi nhận doanh thu gần 3.900 tỉ đồng. Trước đó, Vietlott đã đạt chỉ tiêu doanh thu cho năm 2018 là 4.460 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2018 của Vietlott ghi nhận thu nhập khác giúp lợi nhuận trước thuế duy trì đà tăng trưởng hai chữ số, đạt trên 338 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ nguồn thu này thì lợi nhuận của Vietlott lại giảm đến 13% so với năm trước.

Chưa đảm bảo khách quan

Theo Kiểm toán Nhà nước, qua đối chiếu tại chi nhánh TP.HCM và Hải Phòng cho thấy còn một số tồn tại. Cụ thể, một số đại lý không đáp ứng được các tiêu chuẩn về thương mại, kỹ thuật nhưng vẫn được ký hợp đồng đại lý, không đảm bảo nguyên tắc khách quan. 

Theo Phương Minh

Pháp luật TPHCM