1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vietcombank xem xét thoái vốn tại các ngân hàng, tìm đối tác sáp nhập

(Dân trí) - Hiện Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính. Ngân hàng vừa có công văn xin phép và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng Quân đội.

Sáng nay 15/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 9.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng thương mại, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết: Hiện Vietcombank đã sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính.

Cụ thể, tại Ngân hàng Quân Đội, Vietcombank sở hữu 7,16% với giá trị là 1.242 tỷ đồng; tại Eximbank là 8,19% (tương đương 582 tỷ đồng); với Ngân hàng Phương Đông là 5,07 % (144 tỷ đồng); với Ngân hàng Sài Gòn là 4,3% (123 tỷ đồng). Một công ty tài chính mà Vietcombank đang sở hữu cổ phần là Công ty Tài chính Xi Măng với tỷ lệ sở hữu 10,91%, tương đương số tiền 70,9 tỷ đồng.

“Vừa qua chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ lại tỷ lệ sở hữu đối với Ngân hàng Quân đội. Trước mắt, NHNN cũng đã cho phép chúng tôi duy trì giữ tỷ lệ như trên tại Ngân hàng Quân đội, vì đây là ngân hàng có hoạt động hiệu quả. Quan điểm của chúng tôi cũng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng khác. Dự kiến chúng tôi sẽ chỉ nắm cổ phần tại 2 ngân hàng, còn giảm cổ phần tại ngân hàng nào sẽ xem xét dựa trên tín hiệu của thị trường và chính các tín hiệu từ các tổ chức tín dụng đó để có những định hướng phù hợp”, ông Thành chia sẻ.


Vietcombank xem xét thoái vốn tại các ngân hàng, tìm đối tác sáp nhập

Vietcombank xem xét thoái vốn tại các ngân hàng, tìm đối tác sáp nhập

Đánh giá về sự phát triển của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay: Năm 2016 là năm mà Chính phủ nhận định nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức nên tăng trưởng khó đạt mức đầu năm đặt ra. Đối với ngành ngân hàng năm nay tiếp tục duy trì ổn định tăng trưởng hợp lý, với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 14 - 15%.

Nhìn qua các ngân hàng trong hệ thống, Chủ tịch Vietcombank thấy cũng chưa có nhiều khởi sắc. Do đó, "Vietcombank trong bối cảnh chung đã có mức tăng trưởng tích cực, đạt kỳ vọng nguồn vốn tăng 2,7% cao hơn so với mức bình quân toàn ngành". Cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ, là ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở các kỳ hạn. Hiện tín dụng tăng 6,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015, là cơ sở để ngân hàng thực hiện mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 17%.

Nhấn mạnh tới việc những quy định tại Thông tư 36 không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Vietcombank, ông Thành cho hay: "Thông tư 36 gần như không ảnh hưởng, bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng đạt 24,2% nên dư địa còn lớn. Bất động sản tổng dư nợ khoảng 31.000 tỷ đồng, tương đương 8% trên tổng dư nợ tài sản bảo đảm trên 150% nên không ảnh hưởng".

Ngoài việc thoái vốn tại các ngân hàng mà Vietcombank đã sở hữu, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cổ đông tại phiên họp sáng nay là tờ trình về việc tăng vốn của ngân hàng. Năm 2016, Vietcombank sẽ tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu. Số vốn điều lệ tăng thêm là 9.327 tỷ đồng. Sau đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ Vietcombank tại thời điểm chào bán.

Đáng chú ý, theo phương án phát hành riêng lẻ này, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cho tối đa 10 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trong đó có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank. Trong trường hợp chào bán tất cả 10% vốn cho một nhà đầu tư hay một nhóm nhà đầu tư có liên quan, Vietcombank sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán.

Sau khi tăng vốn lên gần 40 nghìn tỷ, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank sẽ giảm từ 77% xuống còn 70%, Cổ đông chiến lược nước ngoài (Mizuho Bank) sẽ giảm từ 15% xuống còn hơn 13%.

Cũng theo Chủ tịch Vietcombank, Vietcombank vẫn đang tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập, khi nào có kết quả sẽ báo cáo tới các cổ đông.

Nguyễn Hiền

Vietcombank xem xét thoái vốn tại các ngân hàng, tìm đối tác sáp nhập - 2