Việt Nam vẫn nằm trong nhóm "đội sổ" về lạm phát

(Dân trí) - Mặc dù đánh giá thành công trong kiểm soát lạm phát là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, bộ phận thống kê ASEAN vẫn lưu ý rằng, tại Việt Nam, tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP.

Lạm phát Việt Nam dù giảm mạnh nhưng vẫn xếp thứ 3 trong ASEAN.
Lạm phát Việt Nam dù giảm mạnh nhưng vẫn xếp thứ 3 trong ASEAN.

Theo đánh giá của bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN stats), trong 3 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện và tương đối ổn định. Cụ thể, lạm phát đã giảm từ mức 2 con số năm 2011 (18,13%) xuống mức 1 con số (6,81% năm 2012 và 5,92% trong 10 tháng đầu năm 2013).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
 
Năm 2011, lạm phát ở Việt Nam đã từng vọt lên mức 18,13%, cao nhất kể từ năm 2008 và đây cũng là mức cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN, cao gấp 2,4 lần của Lào, nước có mức lạm phát cao thứ hai.
 
ASEAN stats ghi nhận, nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam đã liên tục giảm vào năm 2012 và 2013. Lạm phát được giảm xuống hơn 2,5 lần chỉ còn 6,81% năm 2012 và giảm 3 lần xuống còn 5,92% trong 10 tháng năm 2013. Dự báo cả năm 2013 chỉ ở mức 6,5-7%.
 
So với thời kỳ trước đó thì diễn biến các nhóm hàng trong rổ tính giá CPI của Việt Nam cũng thay đổi đáng kể. Nếu như năm 2011, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá cao nhất (140,88%) thì năm 2012, nhóm hàng có chỉ số giá cao nhất lại là giáo dục (159,13%) và 10 tháng đầu năm 2013 là thuốc và dịch vụ y tế với 188,4% (trong đó, riêng dịch vụ y tế tăng 216,55%).
 
Đáng chú ý là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, trong khi năm 2011 nhóm hàng này thuộc một trong những nhóm có chỉ số giá thấp nhất thì sang năm 2013, đây lại là nhóm có chỉ số giá cao nhất. Nguyên nhân do ngành y tế điều chỉnh giá viện phí trong năm.
 
Trong khi đó, 3 năm liên tục, Bưu chính viễn thông là nhóm có giá tăng ổn định và thấp nhất trong các nhóm hàng (88,96% năm 2011; 87,98% năm 2012 và 87,45% trong 10 tháng đầu năm).
 
Tuy nhiên, ASEAN stats cũng chỉ ra rằng, kết quả kiềm chế lạm phát ở Việt Nam vẫn còn chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng giá tiêu dùng - thước đo chính của chỉ số lạm phát của Việt Nam 2012 ở mức 6,81% vẫn còn cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP - 5,03%).
 
Nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì khoảng cách chênh lệch giữa lạm phát với tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn còn khá lớn. Năm 2012, GDP của Campuchia tăng 7% và tốc độ tăng CPI chỉ 2,5%. Hai chỉ tiêu tương ứng của Lào là 7,93% và 4,73%. Malaysia là 5,64% và 1,2%; Philippines là 6,81% và 3%; Thái Lan là 6,49% và 3,63%.
 
Tốc độ tăng CPI 9 tháng đầu năm 2013 của Việt Nam là 6,3%, tuy thấp hơn mức tăng 8,4% của Indonesia và mức tăng 6,87% của Lào nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI của nhiều nước khác trong khu vực.
 
Hơn nữa, tốc độ tăng CPI của hầu hết các nhóm hàng của Việt Nam đều cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể như các nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, nhóm văn hóa giải trí và giáo dục là 2 nhóm có chỉ số giá cao nhất so với các nước trong khu vực.
 
Do vậy, theo khuyến nghị của ASEAN stats, trong thời gian tới, để phát triển một cách bền vững, Việt Nam không những cần phải kiểm soát được lạm phát mà còn phải tập trung nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của mình.
 
Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước