1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Việt Nam sở hữu tài nguyên đặc biệt hấp dẫn đầu tư toàn cầu”

Phát biểu trước gần 200 nhà đầu tư đến từ nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên thế giới tại sự kiện Asian Venture Capital Journal (AVCJ) Vietnam Forum 2017 vào ngày 25/5/2017 tại TP.HCM, ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Phú đã chia sẻ các vấn đề về hệ sinh thái của Việt Nam trong hấp dẫn đầu tư, trong đó nhấn mạnh lợi thế về “tài nguyên chính trị”. Quan điểm này đã gây sự chú ý cũng như sự đồng tình mạnh mẽ của giới đầu tư quốc tế.

Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Phú (giữa)
Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Phú (giữa)

Theo giới đầu tư quốc tế, trong 10 nước ASEAN, sau Singapore, Việt Nam là nền kinh tế mở nhất. Việt Nam đã và đang ký kết tham gia đầy đủ các hiệp định thương mại tự do song và đa phương với Mỹ, EU - những đối tác kinh tế hàng đầu thế giới. Ngoài ra trong hơn 200 đối tác thương mại, Việt Nam đã có gần 30 thị trường đạt thành tích xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên. Đây là những kết quả vô cùng khả quan cho một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu và FDI như Việt Nam.

Bên cạnh sự chủ động của các nhà quản lý chính sách, không thể không kể đến các lợi thế do bối cảnh chính trị thế giới mang lại. Trong bài phát biểu của mình, ông Dũng đã chỉ ra loạt các lợi thế về chính trị, trong đó, không đơn thuần chỉ là sự ổn định về môi trường chính trị của Việt Nam mà còn là vị trí địa chính trị trọng yếu. Theo đó nếu như sự ổn định về môi trường chính trị là điều chúng ta có thể kiểm soát thì địa chính trị là yếu tố khách quan do thời thế mang lại.

Vẫn theo doanh nhân này, năm 2020, khi toàn bộ 16 FTA nước ta tham gia đi vào thực thi, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15/20 nước thuộc Nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam, là thời cơ vàng để Việt Nam thu hút đầu tư. Trên thực tế, thời gian qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thường xuyên của Việt Nam luôn ở mức 150-160% GDP nên khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết FTA đã tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Tại diễn đàn này, lần đầu tiên, lợi thế địa chính trị được chỉ ra như một thứ tài nguyên có giá trị sánh ngang với các loại tài nguyên khác của Việt Nam bên cạnh các lợi thế giá năng lượng đầu vào thấp so với khu vực ( điện, gas, dầu), thị trường có sức mua lớn và chưa định hình rõ về tập quán tiêu dùng, dân số trẻ với 68% số người đang trong độ tuổi lao động, số người phụ thuộc chiếm chỉ 32%… Vì vậy, Việt Nam là một sân chơi hoàn toàn công bằng và mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

“Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng về hội nhập và chủ động tham gia sân chơi toàn cầu. Các điểm nóng về mở cửa hội nhập trên thế giới, Việt Nam đều tham gia và chủ động mở cửa, giảm thuế và hợp tác đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều luật về hải quan, thuế, đầu tư lẫn doanh nghiệp… Đây là điểm được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao”, ông Dũng phân tích thêm.

Diễn đàn Đầu tư Viêt Nam lần này được coi là một trong những diễn đàn đầu tư lớn nhất Việt Nam trong năm 2017. Với 6 chủ đề: Vị thế của Việt Nam trong danh mục các Quỹ đầu tư; Cơ hội cho M&A xuyên quốc gia; Cơ hội và thách thức trong bất động sản; Vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm và câu chuyện phát triển tiêu dùng; Vai trò của công nghệ trong nền kinh tế Việt Nam và Góc nhìn của các nhà đầu tư về kinh tế Việt Nam, Diễn đàn đã giúp các nhà đầu tư quốc tế có cái nhìn tích cực về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là họ bị thuyết phục bởi các luận điểm mang tính toàn cầu, soi rọi dưới góc nhìn lịch sử và văn hóa. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư vô cùng to lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Minh Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm