Việt Nam sẽ tiếp tục quản chặt dòng vốn ra nước ngoài

(Dân trí) - Theo một đề án vừa được Chính phủ phê duyệt, đối với giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài. Còn khi thị trường thuận lợi, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định thì có thể xem xét mở rộng đối tượng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Trong nhiều trường hợp, một số tổ chức, cá nhân có tài sản ở nước ngoài (đầu tư hoặc cất giấu) và cơ quan chức năng không hề hay biết
Trong nhiều trường hợp, một số tổ chức, cá nhân có tài sản ở nước ngoài (đầu tư hoặc cất giấu) và cơ quan chức năng không hề hay biết

Tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam. Đề án nêu rõ, định hướng tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam không chịu ràng buộc bởi yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Thay vào đó, Việt Nam có thể chủ động xây dựng định hướng tự do hóa giao dịch vốn trên cơ sở: Xu thế tất yếu của hội nhập các hoạt động đầu tư quốc tế; sự tương thích với mức độ sẵn sàng của nền kinh tế, mức độ phát triển và mở cửa của hệ thống tài chính; sự phù hợp với năng lực quản lý, cạnh tranh của Việt Nam.

Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn, các chính sách hướng tới mục tiêu: Giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính; chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất...

Đồng thời, tăng cường hiệu quả các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô (chế độ thông tin báo cáo, cảnh báo sớm, theo dõi qua tài khoản,...); nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế.

Theo đề án, lộ trình tự do hóa các dòng vốn cần đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro của việc tự do hóa từng dòng vốn cụ thể, từ đó có biện pháp dự phòng không trái với các cam kết quốc tế, đảm bảo khả năng phòng vệ trước các cú sốc kinh tế, hạn chế sự bất ổn định và khủng hoảng do biến động dòng vốn không kiểm soát được mang lại.

Bên cạnh đó, lộ trình này không nhất thiết phải là việc xác định cụ thể thời điểm mở cửa cho một số dòng vốn cụ thể. Chính sách mở cửa dòng vốn cần linh hoạt theo điều kiện thực tế của nền kinh tế tại thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.

Tính đến việc đầu tư ra nước ngoài bằng VND

Đề án này cũng đưa ra định hướng cơ bản đối với lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn. Trong đó, đối với các giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn thông qua kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý, hoàn thiện cơ chế báo cáo và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.

"Đối với giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài", bản đề án nêu rõ.

Trường hợp điều kiện thị trường thuận lợi, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, có thể xem xét mở rộng đối tượng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nới lỏng các rào cản kỹ thuật trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối.

Đối với tính chuyển đổi của đồng Việt Nam (VND), tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đáng chú ý, bản đề án nêu, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của VND trên thị trường quốc tế.

Chẳng hạn, cho phép sử dụng VND để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam, cho phép VND tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp Bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng VND để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ 3 bằng VND.

Việc xây dựng lộ trình cho tự do hóa dòng vốn cần được thực hiện đồng thời với việc xây dựng tổng thể các biện pháp phòng ngừa rủi ro và phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi, những bất ổn và rủi ro trong kinh tế, bao gồm: Nhóm biện pháp phòng ngừa rủi ro trước khủng hoảng; nhóm biện pháp phòng vệ chính đáng.

Liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các quy định này đưa đưa ra sau khi Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được và trong hồ sơ này có 189 người Việt và 19 công ty bị "điểm danh". Một số cá nhân cho biết, việc họ có tên trong hồ sơ này do có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong khi đó, dư luận vẫn đặt ra nghi án trốn thuế đối với các doanh nhân hoặc tẩu tán tàn sản tham nhũng của quan chức ở những thiên đường thuế.

Một vụ việc được quan tâm gần đây là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group - bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Nguyên nhân được cho biết do xuất hiện những tình tiết mà cơ quan điều tra của Bộ Công an cung cấp liên quan đến kê khai tài sản (trong hồ sơ bà Hường không kê khai phần tài sản ở nước ngoài) và liên quan quốc tịch thứ 2, hay nói cách khác, vị cựu đại biểu doanh nhân này đã "ỉm" khối tài sản ở nước ngoài mà Nhà nước cũng như cổ đông, nhà đầu tư không hề hay biết.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm