Tháo “chốt hãm” chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chuyển tiền ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (đầu tư ra nước ngoài) và một trong những nội dung quan trọng, đó là nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư.

 

Muốn đầu tư dự án ra nước ngoài, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn ngoại tệ của mình
Muốn đầu tư dự án ra nước ngoài, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn ngoại tệ của mình

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Cụ thể, đó là các hoạt động nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; nghiên cứu tài liệu; thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư; tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư...

 

Các khoản tiền cần để thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư; tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác theo yêu cầu của bên mời thầu, nước tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu; đàm phán hợp đồng; mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài... cũng sẽ được phép chuyển ra nước ngoài trước khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

 

Quy định này được cho là sẽ góp phần quan trọng nhằm tháo “chốt hãm” cho việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Lý do là vì, theo quy định của Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài, thì nhà đầu tư chỉ được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

 

Mặc dù Nghị định 78/2006/NĐ-CP có quy định rằng, đối với việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư, thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan, song trên thực tế, đây là việc gần như bất khả khi, ngoại trừ các dự án trong lĩnh vực dầu khí.

 

Chính vì thế, đây là một trong những quy định bị các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài than phiền nhiều nhất, bởi có nhiều khoản chi cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Chưa kể, ngay cả sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì chuyển tiền ra nước ngoài cũng không hề đơn giản.

 

“Quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài”, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.

 

Tuy vậy, một cách thẳng thắn, ông Chung cho biết, mặc dù cơ chế “thoáng” như vậy, song Dự thảo Nghị định cũng sẽ có nhiều quy định để giám sát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở phải tuân thủ Pháp lệnh Ngoại hối và các quy định khác có liên quan.

 

Một quy định được cho là thông thoáng của Dự thảo Nghị định, cũng như các quy định của Luật Đầu tư phần về đầu tư ra nước ngoài, đó là các dự án có vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng sẽ được thực hiện đăng ký đầu tư, thay vì chỉ 15 tỷ đồng như quy định trước đây. Tuy nhiên, để giám sát chặt, thì Ban soạn thảo quy định, với những dự án đầu tư mà tiền mặt ngoại tệ chuyển ra nước ngoài từ 20 tỷ đồng (tương đương gần 1 triệu USD), thì vẫn phải lấy ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

“Việc này là để tránh tình trạng nhà đầu tư lạm dụng quy định pháp luật thông thoáng để chuyển tiền ra nước ngoài. Cả các dự án sử dụng vốn nhà nước hay tư nhân đều phải tuân thủ quy định này”, ông Chung cho biết.

 

Trong khi đó, liên quan đến một trong những quan ngại lâu nay của dư luận xã hội về việc trong bối cảnh dự trữ ngoại hối trong nước còn khó khăn thì nên hay không cho phép nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài như vậy, ông Chung khẳng định, cũng sẽ có cơ chế để quản lý và giám sát chặt chẽ.

 

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định, trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải có văn bản “cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư”.

 

“Giả dụ, doanh nghiệp muốn đầu tư dự án 50 triệu USD ra nước ngoài, thì phải chứng minh được nguồn ngoại tệ của doanh nghiệp mình. Hoặc là, được ngân hàng thương mại chấp thuận thu xếp ngoại tệ. Với các dự án quan trọng quốc gia, phải có cam kết bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Không thể có chuyện “anh” chỉ có tiền Việt mà được đầu tư ra nước ngoài”, ông Chung lý giải và cho rằng, quy định như vậy sẽ đảm bảo được vấn đề an toàn, quản lý ngoại hối của Việt Nam.

 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 31/12/2014, Việt Nam đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 19,54 tỷ USD.

 

Theo Nguyên Đức

Đầu tư
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”