1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam sẽ thành "quốc gia khởi nghiệp" nhờ cộng đồng start-up

(Dân trí) - "Các công ty Start-up sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới", đây là nhận định được ông Trương Gia Bình đưa ra tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra chiều nay 3/6.

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam
Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam

Chính phủ làm hết sức mình để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam đang diễn ra chiều nay (3/6) tại Hà Nội, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, sau hơn 70 năm phát triển, doanh nghiệp (DN) tư nhân đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước và được chấp nhận là 1 trong 5 thành phần kinh tế quan trọng của đất nước.

Theo ông Quân, DN tư nhân hiện có những ưu điểm như: Có lòng yêu nước, nhiệt huyết, nghị lực để vươn lên; có trí sáng tạo và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, nhiều DN đứng vào hàng ngũ khu vực và vươn ra thế giới; thế hệ DN trẻ học ở nước ngoài mang kiến thức về ứng dụng đạt được nhiều hiệu quả trong kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, các DN trẻ lại đang gặp nhiều hạn chế về vốn, kiến thức, thị trường…

Tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, hiện tại Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2030. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất để mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình DN, mọi chủ thể thị trường có điều kiện cạnh tranh lành mạnh với nhau theo quy định của pháp luật để cùng phát triển.

“Chính phủ đang xây dựng, soạn thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ để có thể hỗ trợ cho các doanh ngiệp tư nhân, DNNVV của Việt Nam theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế”– Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, "chúng ta phải tập trung chăm lo những DN hiện có, hỗ trợ DN khởi nghiệp, xây dựng DN Việt Nam phát triển nhanh và bền vững cùng với các thành phần khác để phát triển hơn". Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ cán mốc 1 triệu DN.

Ông Trương Gia Bình cho rằng doanh nghiệp khởi nghiệp cần một môi trường chuyên nghiệp
Ông Trương Gia Bình cho rằng doanh nghiệp khởi nghiệp cần một môi trường chuyên nghiệp

Doanh nghiệp khởi nghiệp không nên ỷ lại vào Chính phủ

Góp phần tham luận tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT cũng cho rằng, tinh thần khởi nghiệp của DN mạnh mẽ và khởi nghiệp thành công trong môi trường chuyên nghiệp là điều kiện cần để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng DN.

“DN lớn mạnh về số lượng và chất lượng để nắm bắt cơ hội và tạo động lực chủ yếu phát triển kinh tế số trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các công ty Start-up sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới”.

Theo ông Bình, nền kinh tế số đang gợi mở cả thách thức và cơ hội với DN, như vận dụng sức vươn của Internet vào phục vụ cộng đồng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế qua công cụ ảo; đưa những định hướng phát triển và cơ chế quản lý dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng thông thoáng vào cuộc sống và kinh doanh v.v...

Ông Bình cũng kiến nghị, Chính phủ cần xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự tham gia của nhà nước, DN và tổ chức quốc tế; xây dựng mạng lưới DN và hiệp hội tiên phong trong hệ sinh thái khởi nghiệp; đổi mới giáo dục và đào tạo trong gia đình; kết nối mạng lưới Việt kiều trên toàn thế giới hỗ trợ Start-up...

Trong khi đó, theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen thì “không hội nhập ta không thấy cái yếu của chính mình. Càng hội nhập, yếu kém càng bộc lộ, đòi hỏi nghiêm khắc với bản thân, chủ động cải cách, liên tục hoàn thiện thể chế, khắc phục yếu kém”.

Tại diễn đàn, ông Zafric Asaf - Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Israel kể lại câu chuyện khởi nghiệp thành công của 4 DN tại Isarel. Theo đó, từ các DN khởi nghiệp, nhìn nhận được tiềm năng thị trường là tắc nghẽn giao thông, các công ty này đã đưa vào phát triển hạ tầng GPS nhằm giảm tải tình trạng này. Một số dự án sau đó đã được Chính phủ Isarel mua lại.

“Từ những công ty nhỏ chỉ có khoảng 5 người, theo thời gian, công ty đã phát triển tới hàng trăm nhân sự. Để đạt được điều đó, chúng tôi luôn đảm bảo môi trường kinh doanh của đất nước mình phải luôn bình đẳng, minh bạch”, ông Zafric Asaf chia sẻ.

Đặc biệt, tại Israel, DN khởi nghiệp luôn phân tích các nguyên nhân thất bại, để từ đó có hướng đi mới cho DN mình.

"Ở Isarel, có một doanh nhân đã trải qua rất nhiều thất bại. Nhưng đến nay công ty của anh đã rất phát triển và sở hữu 15 công ty ở 15 quốc gia khác nhau. Một trong những điểm quan trọng nhất đối với DN khởi nghiệp đó là họ ý thức được công việc họ làm chứ không ỷ lại vào Chính phủ. Họ xác định phải đi bằng chính đôi chân của mình, để đạt được kết quả mình mong muốn" – ông Zafric Asaf nói.

Bích Diệp

Việt Nam sẽ thành "quốc gia khởi nghiệp" nhờ cộng đồng start-up - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm