1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng cách 30 - 50 năm với Hàn Quốc nhờ doanh nghiệp công nghệ!

(Dân trí) - Đây là chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Xuân Thành tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra sáng nay (9/5).

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua, tuy nhiên về chất lượng phát triển vẫn còn kém nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc.

Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng cách 30 - 50 năm với Hàn Quốc nhờ doanh nghiệp công nghệ! - 1

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành

Ông Thành tin tưởng: Chặng đường phát triển và khoảng cách của Việt Nam với Hàn Quốc có thể phải mất 30 - 50 năm Việt Nam mới theo kịp, nhưng nhờ khoa học và công nghệ, khoảng cách này có thể rút ngắn.

TS Thành nêu ví dụ: Trung Quốc và Ấn Độ chỉ đi trước Việt Nam một thời gian ngắn nhưng đã sớm trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới. Tại ASEAN, ngoài Singapore, Indonesia, Việt Nam cũng là đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ.

Đại diện Fulbright Việt Nam minh chứng: Giá trị của doanh nghiệp công nghệ trong 10 năm qua đã chiếm trên 15% GDP và có tốc độ tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.

Ông Thành kiến nghị cần hội tụ những doanh nghiệp ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung.

Đại diện của Fulbright nói: Nhà nước cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn hay cụm doanh nghiệp để thúc đẩy họ đầu tư vào công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hạ tầng số. Nhà nước cần vai trò như bà đỡ cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ cho họ thông tin và tạo điều kiện cho họ đầu tư những ngành nghề mạo hiểm.

Theo ông Thành, để phát triển doanh nghiệp công nghệ và lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm cần thúc đẩy hơn nữa vấn đề phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, thị trường, bối cảnh, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý hỗ trợ.

Cũng tại Diễn đàn, Giáo sư Yongrak Choi - Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, năm 2017, GDP của Hàn Quốc là 1.530 tỷ USD gấp 765 lần so với năm 1960. Để có được thành quả như vậy, ông Choi cho rằng, doanh nghiệp và nền khoa học công nghệ góp phần rất to lớn.

"Điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc là chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ", GS Choi nêu.

Theo ông này, sự phát triển của những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai... thời gian đầu chủ yếu nhập khẩu công nghệ, sau đó mới học hỏi để trở thành những tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay.

Chuyên gia đến từ Hàn Quốc nói: Phát triển lĩnh vực CNTT và truyền thông (CTC) cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Chính phủ đã xác định một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động...

GS Choi đưa ra lời khuyên, Việt Nam cần tích hợp KH&CN một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp, hỗ trợ của Chính phủ cho phát triển KH&CN và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ.

Ông này cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam là Chính phủ nên kết hợp lâu dài với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn.

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc công ty cổ phần Be: Môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập.

Theo đại diện doanh nghiệp Việt, hiện có khá nhiều chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup tại Việt Nam còn khá khắt khe, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ.

Ông cho rằng, hiện mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà chúng ta sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài. Ở thời đại 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.

Nguyễn Tuyền