1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam sẽ nhập 80.000 tấn đường của... bầu Đức?

(Dân trí) - Trong khi tổng hạn ngạch thuế quan nhập đường năm 2012 là 70.000 tấn thì mới đây Bộ Công thương Lào đã đề xuất với Bộ Công thương Việt Nam cấp hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn đường cho các nhà máy của HAGL đang hoạt động tại Lào.

Tại buổi họp báo công bố và cung cấp thông tin về điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được Bộ Công thương tổ chức chiều 10/8, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên lưu ý, trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào, nên các sản phẩm đường của Tập đoàn này sẽ mang xuất xứ từ Lào.

Trong giao thương giữa Việt Nam và Lào có thỏa thuận về ưu đãi thuế quan do có chung biên giới, trong đó một số mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi bằng 50% so mức thuế suất ưu đãi của Đông Nam Á (ASEAN). 

Như vậy, mức thuế áp với sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai khi nhập về Việt Nam sẽ là 2,5% so mức thuế đối với doanh nghiệp ở các nước khác trong ASEAN là 5%.

Việt Nam sẽ nhập 80.000 tấn đường của... bầu Đức?
HAGL đầu tư vào Lào là một nước kém phát triển, được hưởng nhiều ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển.

Trao đổi với Dân trí, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, Bộ Công thương Lào đã đề xuất với Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn đường cho các nhà máy của công ty đang hoạt động tại Lào, đồng thời ông Đức cũng lưu ý: "Đây là đề xuất của Bộ Công thương Lào chứ không phải đề xuất của Hoàng Anh Gia Lai".
 
Trong khi đó, tổng hạn ngạch nhập khẩu đường trong năm nay chỉ 70.000 tấn. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, nếu cấp toàn bộ hạn ngạch này cho Hoàng Anh Gia Lai thì nhà nước sẽ thất thu một khoản thuế bằng chênh lệch giữa thuế nhập khẩu từ Lào (2,5%) và thuế nhập khẩu từ các nước khác trong ASEAN (5%). Ngoài ra, đặt ra vấn đề độc quyền khi các nhà nhập khẩu trong nước sẽ phải mua toàn bộ đường của Hoàng Anh Gia Lai.

Lần lượt giải đáp những vướng mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhìn nhận, "kể cả nếu chúng ta để nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn đường thì mức chênh lệch thuế cũng không phải là quá lớn, tính ra khoảng 35 tỉ đồng".

Tuy nhiên, theo ông, dư luận không đặt vấn đề người tiêu dùng trong nước sẽ buộc phải tiêu thụ toàn bộ số đường của Hoàng Anh Gia Lai. Điều này tùy thuộc vào việc đàm phán thuế ưu đãi với mặt hàng đường trong hạn ngạch thuế quan mà Việt Nam sẽ phân bổ hàng năm cho tất cả những đối tượng được phân giao hạn ngạch.

Theo đó, mua đường của ai phụ thuộc vào đối tượng doanh nghiệp được phân giao chứ nhà nước không chỉ định các nhà xuất khẩu. Việc các nhà nhập khẩu có lựa chọn các nhà xuất khẩu hay không đó là quyền lựa chọn của các doanh nghiệp này, họ được quyền chọn đối tác phù hợp với yêu cầu của họ, có giá cả và chất lượng tốt.

"Tôi cho rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất là Hoàng Anh Gia Lai" - Thứ trưởng Biên đánh giá.

Ông cho biết, hiện Bộ Công thương đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, ban ngành liên quan và có phương án trình Chính phủ trước khi có trả lời về việc đàm phán thuế quan hạn ngạch đường với Lào. Ở đây, Hoàng Anh Gia Lai đóng vai trò là một nhà đầu tư từ phía Lào. Về mặt danh chính ngôn thuận, Chính phủ Việt Nam không đàm phán với Hoàng Anh Gia Lai mà đàm phán với Chính phủ CHDCND Lào - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nói thêm về Hoàng Anh Gia Lai, Thứ trưởng Biên cho biết, việc đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai vào Lào là đầu tư vào một trong những nước kém phát triển. Nước này được hưởng ưu đãi về thuế quan (bằng 0) khi xuất khẩu vào những nước phát triển. Ngoài việc nhắm vào thị trường Việt Nam, họ còn một số thị trường được hưởng ưu đãi khác như EU và Trung Quốc - đây đều là nhữn thị trường có mức tiêu thụ đường lớn.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm