Việt Nam sẽ có Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân?

(Dân trí) - Thành lập các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là thông điệp chính mà lãnh đạo các ngân hàng ghi nhận tại hội thảo do Ngân hàng nhà nước, công ty Tài chính Quốc tế - Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân (IFC- MPDF) và công ty VISA tổ chức sáng nay 11/1.

Hơn 100 đại diện các ngân hàng đã tham dự hội thảo và nghe các tham luận của các chuyên gia, các tập đoàn kinh tế trên thế giới về: khả năng các trung tâm thông tin tín dụng (TTTD) tư nhân có thể bổ xung cho các trung tâm TTTD nhà nước; tình hình của các trung tâm TTTD tư nhân trong khu vực; hoạt động thông tin tín dụng ở Việt Nam và lợi ích mà các trung tâm tư nhân này có thể mang lại cho các ngân hàng; các vấn đề pháp lý và kỹ thuật cần xử lý như tính chính xác và tính riêng tư của các thông tin.

Ông Adam Sack, Tổng giám đốc MPDF cho biết: “Sự tồn tại của các trung tâm TTTD tư nhân sẽ có lợi cho ngân hàng, cho người đi vay và cả nền kinh tế Việt Nam. Các ngân hàng sẽ được các trung tâm tư nhân thông báo về những khách hàng có tiền sử vay nợ quá mức hoặc khả năng thanh toán không đúng hạn.

Điều này có thể giảm rủi ro cho các ngân hàng khi cho vay và giảm thiệt hại từ các khoản nợ xấu. Đối với người đi vay, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy một khi các ngân hàng tin tưởng vào dịch vụ của các trung tâm TTTD, họ sẽ dành cho các khách hàng có thông tin tín dụng tốt một mức lãi suất ưu đãi hơn và ít đòi hỏi thậm chí bỏ qua yêu cầu thế chấp.”

Theo một điều tra của Ngân hàng Thế giới đối với hơn 5.000 doanh nghiệp ở nhiều nước năm 2003, việc thành lập các trung tâm TTTD đã giảm tỷ lệ các công ty nhỏ có khó khăn về tài chính từ 49% xuống còn 27%, và khả năng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được tín dụng tăng từ 28% lên 40%.

Điều quan trọng nhất theo ông Sack là trung tâm TTTD tư nhân có thể có ích đối với kinh tế Việt Nam. “Hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã và đang là động lực của nền kinh tế Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn dài hạn để nâng cấp trang thiết bị và mở rộng sản xuất vì họ thiếu tài sản chế chấp. Vì vậy các doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng chậm và không phát huy hết tiềm năng trong việc tạo công ăn việc làm, đóng thuế và góp phần nâng cao cuộc sống. Các công ty khởi nghiệp và cá nhân không có tài sản thế chấp còn gặp nhiều khó khăn hơn khi đi vay vốn.”

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2005, do tập đoàn Ngân hàng Thế giới thực hiện trên cơ sở so sánh chất lượng môi trường kinh doanh ở hơn 150 nước, cho rằng thiết lập các trung tâm TTTD tư nhân là một trong ba cải cách chính mà Việt Nam cần tiến hành.

Nguyễn Hiền