Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì thải bỏ nhựa ra môi trường
(Dân trí) - Với chỉ khoảng 33% rác thải nhựa được tái chế, Việt Nam đang lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì thải bỏ nhựa ra môi trường. Cần có sự hợp tác công tư và cam kết, nỗ lực mạnh mẽ từ các bên, nhất là doanh nghiệp lớn để thay đổi thực trạng này.
Báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC công bố cho biết mỗi năm có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế, phần còn lại bị thải bỏ, dẫn đến lãng phí 2,2-2,9 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam do ngân hàng Thế giới (WB) và quỹ Problue công bố năm 2022 đã uớc tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác nhựa thải ra trên đất liền hằng năm và ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt đã ra sông, biển.
Việt Nam vì vậy trở thành một trong năm nước hàng đầu trên thế giới gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Rác thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng. Hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.
"Cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là bẻ hướng dòng chảy để nhựa được tuần hoàn, quay lại phục vụ đời sống thay vì bị thải bỏ", bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam - nêu quan điểm tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội tuần trước.
Diễn đàn năm nay thu hút sự tham gia của các bên, từ lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, đối tác phát triển để thảo luận về lộ trình thực hiện "Kế hoạch hành động quốc gia về nền kinh tế tuần hoàn".
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính ở mức 15,8% (trong điều kiện tự thực hiện) và 43,5% (được các nước hỗ trợ). Các doanh nghiệp lớn, đầu ngành đã chia sẻ những kinh nghiệm thực thi tái chế nhựa và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Là nhà sản xuất có 35 triệu sản phẩm được người dân Việt Nam sử dụng mỗi ngày, bà Vân nhấn mạnh, Unilever Việt Nam hiểu việc tái chế nhựa, kéo dài vòng đời của các loại bao bì có ý nghĩa như thế nào với môi trường cũng như chính doanh nghiệp.
Mục tiêu của Unilever là đến năm 2025, tất cả bao bì nhựa phải có khả năng tái chế, giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì, đồng nghĩa cần tăng cường sử dụng nhựa tái sinh, thu gom và xử lý lượng nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra. Để nhựa có thể tuần hoàn, các yếu tố quan trọng gồm thiết kế, hợp tác, nhận thức cũng cần được thúc đẩy.
Từ nhiều năm qua, Unilever Việt Nam đã thực hiện các sáng kiến để cải thiện vật liệu bao bì phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Unilever Việt Nam đã đạt 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Trong khi đó, việc hợp tác đã được đẩy mạnh bằng hàng loạt ký kết giữa Unilever và các đối tác. Tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp Unilever Việt Nam, SCG và Dow tiên phong ký kết sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (gọi là PPC).
Mục tiêu của PPC là quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc. Đến nay, sau 3 năm, PPC đã có gần 30 thành viên từ các thành phần khác nhau trong vòng tuần hoàn nhựa: các tổ chức nhà nước, các nhà tái chế như Duy Tân, đơn vị thu gom như Vietcycle, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đối tác phân phối bán lẻ như Central Retail…
"Trong vòng 3 năm, PPC của chúng tôi đã thu gom và tái chế 25.000 tấn rác thải nhựa đưa vào phục vụ đời sống. Một điều quan trọng là chúng tôi đã kết nối và cải thiện đời sống cho 2.500 lao động ve chai, phần lớn là phụ nữ", bà Vân chia sẻ.
Kết quả này đến từ nhiều sáng kiến, chương trình như hồi sinh rác thải nhựa để nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác, chất lượng của nhựa tái chế sau thu gom; phát triển mạng lưới cơ sở thu gom; xử lý, sản xuất nhựa tái sinh tại nhà máy đạt tiêu chuẩn.
Hạt nhựa tái sinh sau đó được Unilever và một số doanh nghiệp sử dụng sản xuất thành bao bì sản phẩm. Các sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh cũng đã đến được tay người tiêu dùng thông qua hệ thống nhà phân phối, bán lẻ.
Các chương trình truyền thông, giáo dục về phân loại rác tại nguồn do Unilever thực hiện cũng đã tiếp cận 12 triệu người dân.
Đến hiện tại, 63% bao bì của Unilever Việt Nam có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy. Unilever Việt Nam đã cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Từ kinh nghiệm của Unilever, bà Vân khuyến nghị, kinh tế tuần hoàn nhựa cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc với sự hợp tác của cơ quan nhà nước, nhà thu gom, tái chế, các tổ chức quốc tế, nhà phân phối…
Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư lớn hơn cho công nghệ tái chế hiện đại, hệ thống thu gom bài bản và đặc biệt là có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhựa tái sinh.
"Chúng ta cần thay đổi mối quan hệ với nhựa một cách bền vững hơn để trước mắt là giải phóng giá trị vật liệu lên đến gần 3 tỷ USD/năm đang bị lãng phí. Cao hơn là giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường như mục tiêu đề ra", bà Vân nói.