Việt Nam là điển hình về phát triển kinh tế - xã hội
Theo báo cáo mới công bố gần đây của Viện phát triển hải ngoại (ODI) của Anh, 5 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào được xem là những ví dụ điển hình về phát triển.
Báo cáo của ADI được được đưa ra dựa trên một số tiêu chí như mức sống, y tế, giáo dục, tiếng nói của người dân trong lĩnh vực chính trị...
Theo báo cáo của ODI, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Riêng trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, Việt Nam đã đưa tỷ lệ đói nghèo ở mức 58% đầu thập niên 1990 xuống chỉ còn 14% vào năm 2008.
Cũng trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng và Việt Nam đạt được tiến bộ trong lĩnh vực phát triển con người, điển hình là tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm rõ rệt.
ODI đánh giá Lào cũng có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực cải thiện tình trạng vệ sinh ở nông thôn theo chương trình cải cách hệ thống cung cấp và phân phối nước.
Đối với Campuchia, tiến sỹ Steer cho rằng cải cách hệ thống giáo dục, không chỉ ở bậc tiểu học mà cả trung học, là một trong những thành công lớn của nước này.
Việc Campuchia đạt tiến bộ đồng thời ở bậc tiểu học lẫn trung học là dấu hiệu khả quan vì điều này giúp thanh thiếu niên có được kiến thức khi tiếp cận thị trường lao động. Tuy nhiên, Campuchia vẫn cần tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục trong tương lai.
Trong báo cáo, ODI đã chỉ ra 4 yếu tố chính giúp các quốc gia này đạt nhiều tiến bộ, trong đó nêu bật vai trò của các nhà lãnh đạo đất nước.
Tổ chức này cho rằng lãnh đạo những nước này là những người có tầm nhìn xa, trông rộng, biết tạo cơ hội để nhiều thành phần khác nhau trong xã hội tham gia vai trò lãnh đạo các cấp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các sáng kiến và tiến trình cải tổ diễn ra thuận lợi.
Theo SBV