1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Việt Nam khó đạt được mục tiêu kinh tế năm 2012”

(Dân trí) - Theo nhận định của tổ chức kiểm toán Ernst & Young thì tương tự như 2011, năm 2012 tăng trưởng của Việt Nam sẽ lại tiếp tục ở dưới mức mục tiêu trong khi lạm phát cao hơn mốc đặt ra.

“Việt Nam khó đạt được mục tiêu kinh tế năm 2012” - 1
Theo Ersnt & Young, rủi ro trượt giá tiền đồng sẽ gây áp lực lên việc nới lỏng chính sác tiền tệ trong nửa đầu năm 2012.

Theo cập nhật mới nhất về Việt Nam từ Ernst & Young, một trong “Big Four”- bộ tứ kiểm toán lớn nhất thế giới, thì các nhà chức trách sẽ tập trung chính sách vào thúc đẩy tăng trưởng khi lạm phát chậm lại.

Tổ chức này cho rằng, sau khi đạt mức 5,4% trong năm 2011, tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của 2012 này có thể sẽ dưới mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ đặt ra. 

Nguyên nhân theo đánh giá của Ernst & Young đó là nhà điều hành chính sách Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro tiềm tàng trong công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cố gắng huy động được các nguồn vốn tích lũy đang nằm trong vàng và ngoại tệ mạnh trong khi lạm phát vượt khỏi kiểm soát.

Theo ghi nhận của tổ chức này, mặc dù lạm phát đã chậm lại sau khi chạm đỉnh hồi tháng 8/2011 thì đến tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng gần 20%. Do vậy, rủi ro trượt giá tiền đồng sẽ gây áp lực lên việc nới lỏng chính sác tiền tệ trong nửa đầu năm 2012.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn cũng phụ thuộc vào sự chuyển hướng mang tính đột phá của khu vực công và cải cách toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Sự cần thiết giảm bớt tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại các doanh nghiệp và tổ chức lại những ngân hàng yếu kém trước khi dòng vốn FDI có thể đảo ngược lại mức sụt giảm trong năm vừa rồi, đồng nghĩa với việc, năm 2012 sẽ là một năm mà tăng trưởng Việt Nam sẽ lại tiếp tục dưới mức mục tiêu trong khi lạm phát cao hơn mốc đặt ra.

Triển vọng tăng trưởng nhanh hơn sẽ được cải thiện vào 2013 khi lạm phát được đưa xuống dưới 10% và tăng trưởng xuất khẩu sẽ thu hẹp đáng kể mức thâm hụt tài khoản vãng lai.

Dù vậy, đánh giá một cách tổng quan, Ersnt & Young vẫn đưa ra kết luận, “triển vọng của Việt Nam là rất tốt, với mức tăng trưởng trung bình hơn 6% trong trung hạn”.

Bích Diệp