Việt Nam đuổi kịp và vượt nhiều nước trong khu vực: Đừng quá bi quan!

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc, có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19.

Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 và theo đó là sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sang năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 và tăng lên 7% trong năm 2022.

Đó là nhận định của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đưa ra tại báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á 2021 vừa chính thức được công bố.

Đáng lưu ý, theo dự  báo ADB năm 2021 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7%, tiếp theo là Singapore và Malaysia (6%), Philippines và Indonesia (4,5%), Thái Lan (3%).

ADB cũng dự báo năm 2022 Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất với 7%, tiếp theo là Malaysia (5,7%), Philippines (5,5%), Indonesia (5,0%), Thái Lan (4,5%), Singapore (4,1%).

Việt Nam đuổi kịp và vượt nhiều nước trong khu vực: Đừng quá bi quan! - 1

Trước đó năm 2020, Việt Nam cũng đã đứng thứ nhất Đông Nam Á với tăng trưởng 2,9%, trong khi cả Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines đều tăng trưởng âm (từ -2,1% đến -9,6%).

Trên trang cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên sáng lập Tập đoàn FPT chia sẻ: Nếu đúng như vậy thì 3 năm liên tiếp Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế. Tổng tăng trưởng GDP 3 năm 2020-2022 của ASEAN 6 theo thứ tự là: Việt Nam (17,78%), Indonesia (7,42%), Malaysia (5,77%), Singapore (4,39%), Thái Lan (1,07%) và Philippines (-0,34%).

Theo ông Bảo, trước đây nhiều người cứ bi quan cho rằng Việt Nam không thể nào đuổi kịp các nước vì "mình tăng thì họ cũng tăng". Tuy nhiên cứ theo đà này: Việt Nam tăng mạnh, các nước khác tăng chậm hoặc không tăng, thì việc đuổi kịp và vượt chỉ là "vấn đề thời gian".

Trước đó, trong một cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Đỗ Cao Bảo cho biết điều mà ông cảm thấy băn khoăn là không ít người Việt Nam tỏ ra thiếu tin tưởng trong khi rất nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo triển vọng tươi sáng và vị trí đáng tự hào của kinh tế Việt Nam trong 15 năm, 25 năm và 30 năm nữa.

Theo ông, thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam chúng ta là bàn cách làm sao biến các dự báo ấy trở thành hiện thực, đặc biệt là hãy tích cực tham dự, là một phần của quá trình đổi thay kỳ diệu ấy chứ không phải đứng bên lề rồi "hoài nghi" hay "cười khẩy".

Nền kinh tế Việt Nam cần lưu ý những gì?

Nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022 - theo chuyên gia ADB: Đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffrie nhấn mạnh: Tiêu dùng nội địa trì trệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch Covid-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau, nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, "năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong chương trình vắc xin của Chính phủ",

Cụ thể theo ADB, rủi ro chính theo chiều hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể coronavirus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vắc-xin. Nếu chậm trễ trong triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.

"Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất. Xét từ góc độ tích cực, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc và Mỹ có thể làm triển vọng thương mại và tăng trưởng gia tăng đáng kể", chuyên gia ADB nhận định.

Việt Nam đuổi kịp và vượt nhiều nước trong khu vực: Đừng quá bi quan! - 2

Theo chuyên gia ADBB, sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, theo chuyên gia ADB, thách thức chính sách lớn nhất là giảm bớt tác động của đại dịch lên nghèo đói và thu nhập.

Nỗi lo tác động của đại dịch lên thu nhập cũng được nhiều chuyên gia lo ngại. Trao đổi với Dân trí, chuyên gia Lê Duy Bình băn khoăn khi tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm trong quý 1/2021. Đây là hiện tượng rất ít khi xảy ra trong những năm trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm cũng tăng cao. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong những người thuộc độ tuổi thanh niên thất nghiệp cũng tăng và đây là một điều đáng quan ngại.

"Thất nghiệp thanh niên là điều đáng lo ngại vì nó có thể có những tác động tới năng suất, hiệu quả của nền kinh tế trong trung hạn. Đây là một trong những vấn đề cần được lưu tâm trong các chính sách hỗ trợ và phát triển trong thời gian tới", ông Lê Duy Bình nói.