Việt Nam - điểm đến tiềm năng của công nghệ blockchain toàn cầu

Năm 2017 là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ blockchain và tiền mã hóa. Nổi tiếng trong số đó là sự tăng giá chóng mặt của đồng Bitcoin. Giá đồng Bitcoin đã tăng hơn 2.000% trong năm qua tại một số sàn giao dịch và chạm ngưỡng kỷ lục quanh mức 20.000 USD.

Đáng chú ý hơn, bên cạnh các đồng tiền kỹ thuật số ứng dụng công nghệ blockchain, tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, blockchain là một khái niệm đang dần trở nên quen thuộc và được quan tâm cùng với những cơ hội và thách thức đi kèm trong công cuộc tạo nên làn sóng mới cho nền kinh tế tài chính toàn cầu.

Bức tranh toàn cảnh về blockchain trên thế giới

Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Ecnomic Forum) nhận định blockchain là công nghệ mang tính cách mạng vì có thể áp dụng cho bất kì loại giao dịch nào liên quan đến giá trị từ tiền tệ, hàng hóa đến bất động sản. Tác giả Rosamond Hutt đã viết: “Ứng dụng tiềm năng của công nghệ này gần như bất tận, từ thu thuế đến việc cho người di cư gửi tiền về quê nhà nơi hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn”.

Hiện nay trên thế giới, các tập đoàn hàng đầu như UBS, Microsoft, IBM và PwC đều chạy đua áp dụng blockchain vào lĩnh vực đặc thù của mình. Một báo cáo của công ty tư vấn tài chính Aite ước tính các ngân hàng đã chi 75 triệu USD để nghiên cứu blockchain trong năm 2015.

Cụ thể hơn, một số nước trên thế giới điển hình là Dubai đã lên kế hoạch đưa ứng dụng blockchain vào mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống với mục tiêu trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới tận dụng triệt để công dụng chuỗi khối này. Đến năm 2020, Dubai muốn tất cả hoạt động nộp đơn visa, thanh toán hóa đơn, gia hạn giấy phép được thực hiện trên nền tảng blockchain, và từ đó đưa quốc gia này trở thành “thành phố tương lai”. Theo Smart Dubai - cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức hội thảo để tìm ra các dịch vụ có thể tận dụng blockchain, chiến lược này có thể tiết kiệm 25,2 triệu giờ lao động, tương đương 1,5 tỷ USD mỗi năm cho quốc gia này. Năng suất sẽ được cải thiện phần lớn nhờ việc chuyển sang “Chính phủ không giấy tờ” (paperless).

Câu chuyện về công nghệ blockchain tại thị trường Việt Nam

Việt Nam - điểm đến tiềm năng của công nghệ blockchain toàn cầu - 1

Từ giữ năm 2017, sau tiếng vang của cuộc thi ENIGMA - cuộc thi về ý tưởng kinh doanh dựa trên nền tảng blockchain diễn ra tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang dần tập trung sự chú ý đến tiềm năng thật sự của công nghệ này. Vào giai đoạn này, blockchain đã dần chiếm được ưu thế trong một loạt các sự kiện về công nghệ mang tầm cỡ quốc gia được tổ chức tại các thành phố lớn. Điển hình là các sự kiện quy mô lớn như Tech Fest 2011, Khởi nghiệp 4.0 ứng dụng công nghệ blockchain của Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh v..v

Cuối năm 2017, sự kiện Blockchain Hackathon lần đầu diễn ra tại Việt Nam được tổ chức bởi công ty Infinity Blockchain Labs cùng với sự tham gia của các tên tuổi hàng đầu như Mekong Business Initiatives và Saigon Innovation Hub thuộc Sở khoa học Công nghệ TPHCM. Sự kiện này cũng đã thu hút phần lớn cộng đồng về công nghệ với gần 20 sản phẩm mô hình được hoàn thành sau 36 tiếng lập trình (Tham khảo thêm: www.blockchainlabs.asia/blockathon).

Đến thời điểm hiện nay, phần lớn các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã và đang ứng dụng blockchain vào lĩnh vực tài chính. Điều này cũng phần nào lý giải tại sao đa phần cộng đồng người Việt hầu hết chỉ biết đến ứng dụng của blockchain trong Fintech (công nghệ tài chính). Hiện nay, số lượng startup blockchain tại Việt Nam đã vượt qua con số 20. Bên cạnh đó, đã có hơn 10 sàn giao dịch và khoảng 10 doanh nghiệp kêu gọi vốn qua blockchain được công bố bởi các công ty Việt Nam dù phần lớn các công ty này đều có trụ sở tại nước ngoài. Một số dự án huy động vốn điển hình tại Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn trên thế giới có thể kể đến như Kyber Network (khoảng 52 triệu USD) và sắp tới là TomoChain (7,5 triệu USD) và BigBOM (khoảng 1 tỷ token). Các doanh nghiệp hiện cũng đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu và dự án thử nghiệm blockchain, blockchain cũng thu hút sự quan tâm của nhiều “ông lớn" như Napas, TMA Solutions. Bên cạnh đó, các ngân hàng và công ty kiểm toán tại Việt Nam cũng đang dần hướng sự quan tâm đến công nghệ mới này.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, hiện chỉ có 2 công ty là Infinity Blockchain Labs và Proteusion. Trong đó, ngoài việc phát triển sản phẩm, Infinity Blockchain Labs (IBL) còn là đầu tàu trong việc kết hợp với trường Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh để tổ chức khóa đào tạo chính quy về Blockchain đầu tiên tại Việt Nam. IBL cũng đã phối hợp với Robusta, VITEC and Viettel vào cuối năm 2017 để mở rộng phạm vi đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nằm trong xu thế công nghệ toàn cầu cũng như hệ sinh thái blockchain đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam, hội thảo blockchain quy mô quốc tế lần đầu tại Việt Nam - Vietnam Blockchain Week 2018 - được tổ chức bởi IBL sẽ diễn ra vào ngày 7-8 tháng 3 tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện đặc biệt này là cơ hội để giao lưu học hỏi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ hơn 1,000 chuyên gia lớn trong và ngoài nước trong lĩnh vực blockchain. Đây cũng là sân chơi công nghệ hấp dẫn và bổ ích nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với blockchain không chỉ riêng Việt Nam mà vươn ra tầm thế giới.

Bên cạnh dàn diễn giả đến từ những tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu như OCBC, World Bank, NEO, Hiệp FintechHongKong, London Stock Exchange, Bank of America, Kraken… bức tranh toàn cảnh về một công nghệ đầy hứa hẹn cũng như tiềm năng blockchain tại Việt Nam sẽ được chia sẻ bởi những gương mặt tiên phong trong cộng đồng blockchain Việt Nam hiện nay như: Nguyễn Hưng Nguyên (Phó Chủ tịch Cty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam - Napas), Trần Hữu Đức (Giám đốc FPT Ventures), Adam Vaziri (Giám đốc Digital Currency Association của Anh quốc) , Lưu Thế Lợi (Sáng lập viên và CEO Kyber Network) và David Nguyễn Vũ (Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư – VietCham Singapore).

Thông tin chi tiết về sự kiện được cập nhật tại www.vietnamblockchainweek.com.vn