Việt Nam đã thất bại trong việc tăng năng suất lao động
(Dân trí) - “Việc dịch chuyển lao động kỹ năng thấp sang khu vực lao động kĩ năng cao của Việt Nam đã chững lại khoảng 10 năm nay”.
Đó là nhận định của PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được tổ chức vào chiều nay (21/3).
Năng suất lao động đứng thứ 3… từ dưới lên
Bên lề buổi hội thảo, ông Thành cho biết, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp trong khu vực ASEAN và cách xa so với các nước châu Á phát triển khác như Singapore hay Trung Quốc.
“Điều này bắt nguồn từ vốn, môi trường làm việc, điều kiện làm việc và mật độ sử dụng công nghệ của Việt Nam còn thấp cũng như tay nghề, kỹ năng của người lao động chưa được cao. Nó cũng giải thích vì sao thu nhập của chúng ta trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung”, ông Thành nói.
Cụ thể, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan…
Nói về vấn đề này, ông Kumio Umeda, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư từ nước ngoài cao. Có nhiều vấn đề cần giải quyết để Việt Nam tận dụng được cơ hội lịch sử này, một trong số đó là nâng cao năng suất lao động.
“Đáng tiếc là năng suất lao động của Việt Nam lại đứng thứ 3 từ dưới lên trong khối ASEAN, trong khi người Việt Nam lại rất cần cù, chăm chỉ”, ông Umeda nói.
Bên cạnh đó, ông Thành cho hay, lực lượng lao động rẻ không có kỹ năng của Việt Nam vẫn chiếm số lượng rất lớn, đang bị nằm kẹt trong khu vực nông thôn và không thể nào dịch chuyển sang ngành có năng suất cao hơn. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng và nhức nhối của nền kinh tế Việt Nam.
Khu vực DNNN có năng suất cao nhất
Theo ông Thành, năng suất lao động của khu vực DNNN là cao và cách xa năng suất lao động của khu vực tư nhân.
Cũng theo nghiên cứu từ VEPR, mọi con số đều cho thấy năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đều cao, có thể trong tương lai sẽ là cao nhất. Và nó cách rất xa so với năng suất lao động của khu vực DN tư nhân.
“Điều này không hàm ý rằng người lao động ở trong khu vực nhà nước thì hiệu quả hơn hay ưu việt hơn mà bởi vì khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực được hưởng ưu đãi rất lớn về vốn, về công nghệ và đặc biệt là độc quyền về thị trường, vì thế đầu ra của DNNN có giá trị tốt hơn. Trong khi đó, khu vực DNNN sử dụng lực lượng lao động nhỏ, hơn nữa còn ngày càng được rút ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bởi vì đang tinh giảm biên chế và tái cơ cấu”, ông Thành giải thích.
Ngược lại với đó, khu vực DN tư nhân hấp thụ toàn bộ lực lượng lao động nhưng không có cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất kinh doanh, không được trang bị nhiều thiết bị, không có kinh nghiệm, không có thị trường, không có kĩ thuật và tất cả các yếu tố đó đổ dồn lên lực lượng lao động khổng lồ tại đây làm cho năng suất bình quân của khu vực DN tư nhân là cực kỳ thấp.
“Chúng ta có thể thấy rất nhiều yếu tố cứ ràng buộc nhau dẫn đến kết quả là năng suất lao động thấp, nền kinh tế kém phát triển. Khu vực tư nhân là khu vực sử dụng lực lượng lao động khổng lồ, lớn nhất của nền kinh tế nhưng gần như tất cả các yếu tố đó đều hội tụ trong khu vực này nên kéo năng suất lao động của chúng ta xuống”, ông Thành nhận định.
Về giải pháp để nâng cao năng suất lao động, ông Thành cho rằng, chúng ta không nên quá lạc quan về giải pháp, biện pháp nào đó mà có thể giải quyết được ngay vấn đề này.
"Đây là quá trình cần thời gian dài, đòi hỏi hết sức kiên nhẫn và có tầm nhìn thì mới làm được. Chúng ta nên làm một giải pháp đồng bộ từ việc mở rộng thị trường cho những sản phẩm mà chúng ta đang có lợi thế hoặc là tích lũy vốn, mở rộng sản xuất cho khu vực tư nhân để họ có sự phát triển tốt hơn, ngoài ra cũng cần cải cách về tái cơ cấu hay cải cách chất lượng lao động”, ông Thành nói thêm.
Hồng Vân