1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn:

“Việt Nam chưa cần gói kích thích, nền kinh tế không phải thiếu tiền”

(Dân trí) - Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, đến thời điểm hiện nay, trừ các chính sách hỗ trợ cần thiết, chưa cần phải có gói kích thích kinh tế như một số ý kiến đề cập,

“Việt Nam chưa cần gói kích thích, nền kinh tế không phải thiếu tiền” - 1

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Đừng vội vàng đưa ra những con số thiếu căn cứ

Xung quanh câu chuyện tác động dịch Covid-19 tới nền kinh tế, khá nhiều ý kiến bình luận với nhiều góc nhìn khác nhau. PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch bệnh virus corona. Do đó, GDP có thể giảm so với mục tiêu đề ra. Dưới góc độ một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng đợt dịch này tới nền kinh tế của chúng ta?

Dịch bệnh nằm ngoài tất cả dự báo của chúng ta. Chính phủ, các tổ chức quốc tế lẫn giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp… đều không lường trước được. Mặc dù khi xây dựng kịch bản, Chính phủ cũng có những đánh giá thận trọng về những yếu tố bất lợi đến tăng trưởng kinh tế 2020 nhưng dịch bệnh, thiên tai… vẫn luôn là ẩn số khó lường.

Một số ngành, lĩnh vực kinh tế rõ ràng đang chịu những ảnh hưởng khá rõ từ đợt dịch này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi cho rằng khi đưa ra bất kỳ đánh giá gì cũng cần phải có tính toán cẩn trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn chặt chẽ, tránh vội vàng.

Trong đó, cần hết sức lưu ý đến phương pháp, mô hình, nguồn số liệu và con số tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng GDP, đặc biệt là cái cách mà chúng ta công bố các kết quả đánh giá đó. 

Chưa kể nguồn số liệu vĩ mô, diễn biến về dịch bệnh đến nay vẫn chưa rõ ràng, chưa ai dám khẳng định sẽ như thế nào, các tác động lên từng ngành, lĩnh vực vốn dễ tính toán thiệt hại hơn nhưng vẫn chưa có tính toán nào, sao có thể ra được những con số vĩ mô rộng lớn như thế.

Cũng giống như người dân sẽ theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh để hành xử, doanh nghiệp cũng sẽ cập nhật thông tin về tác động hay triển vọng kinh tế để quyết định nên như thế nào. 

Những thông tin không chính xác hay bị nhiễu cũng sẽ làm người dân, doanh nghiệp, thị trường hành xử sai, đôi khi lại tai hại hơn. Thiết nghĩ hơn lúc nào hết, cần bình tĩnh để đưa ra những đánh giá xác đáng, đáng tin cậy, nhờ đó giúp Chính phủ có những giải pháp phù hợp để kinh tế Việt Nam trở nên tốt hơn.

Không thể phủ nhận kinh tế đang "buồn" đi trông thấy vì corona. Vậy theo ông, giải pháp cốt yếu nào để chống lại dịch bệnh trong bối cảnh này?

Dịch bệnh Corona hiện nay cho thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng một quốc gia, nó cần có những hợp tác, phối hợp chính sách mang tính quốc tế. 

Đến nay, những tổ chức quốc tế lớn như WB, IMF hay ADB vẫn chưa có một đánh giá toàn cảnh nào cũng như chưa đưa ra một khuôn khổ hướng dẫn khuyến khích hợp tác, điều phối giữa những quốc gia, đặc biệt đối với những quốc gia chịu tác động lớn của dịch.

Ở góc độ quốc gia, trước một dịch bệnh lớn như thế này, nhiều nước cũng buộc phải điều chỉnh chính sách để ứng phó. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng cần có chính sách ứng phó mang tính tổng hợp từ tất cả các bên liên quan, tất cả bộ ngành, từ trung ương đến địa phương, từ nhà nước đến thị trường, doanh nghiệp, từ chính phủ đến người dân. 

Đặc biệt liên quan đến dịch bệnh có tính chất lây lan, từ dịch tễ cho đến niềm tin như thế này, nếu thiếu sự tham gia tích cực của bất kỳ bên nào cũng sẽ giảm ý nghĩa của các chính sách.

Thủ tướng đã nói, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là "virus trì trệ", không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Tôi cũng thực sự thấy “virus” trì trệ, đó là một điều đáng sợ. Khi doanh nghiệp, người dân mất niềm tin vào tinh thần và thái độ làm việc của hệ thống nhà nước, các cán bộ công chức, thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng.

Có cần gói hỗ trợ?

Trong bối cảnh lo ngại về sự giảm phát trước sự tác động của dịch bệnh không chỉ phạm vi ở một nước mà còn mang tính quốc tế. Một số ý kiến đặt vấn đề về gói hỗ trợ… Kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19. Nhưng liệu đã cần thiết để có một gói kích thích kinh tế, bơm tiền ra nền kinh tế chưa thưa ông?

Thời điểm này, gói kích cầu kinh tế đơn thuần không giải quyết được vấn đề. Không đủ để bao trùm lên các phương diện liên quan của dịch bệnh. Nói khác đi, dịch bệnh không đơn giản chỉ là chuyện mà tài khóa, tiền tệ có thể giải quyết được.

Nền kinh tế chúng ta hiện không phải thiếu tiền để cần bơm. Các dư địa tiền tệ và không gian cho tăng trưởng tài khóa của chúng ta hiện nay còn rất lớn. Chẳng hạn như chúng ta thấy dư địa tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 vẫn còn rất lớn, hệ thống ngân hàng không phải đang thiếu tiền, không phải nhà đầu tư, doanh nghiệp người dân không thể tiếp cận dòng tiền để đầu tư. 

Tương tự đối với chính sách tài khóa. Việc giảm thuế có thể giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân song người dân không phải giảm tiêu dùng tạm thời vì thu nhập giảm mà do lo sợ dịch bệnh nên họ giảm nhu cầu đi lại và chi tiêu trong ngắn hạn.

Nói khác đi, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân bị suy giảm không phải do vấn đề tiền bạc mà là do lo ngại dịch bệnh khiến cho nhu cầu bị co lại tạm thời. 

Ví dụ như chúng ta nhìn thấy các trung tâm mua sắm vắng bóng người dân đến chi tiêu nhưng vấn đề không phải là do thu nhập thấp, dòng tiền bị cạn kiệt mà do người ta lo sợ bị lây nhiễm bệnh nên hạn chế đến. 

Điều này làm suy yếu sức cầu tạm thời, các doanh nghiệp không bán được hàng, khiến cho tồn kho tăng ngoài dự kiến, dẫn đến giảm sản xuất, giảm sản lượng, giảm tăng trưởng.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân sẽ quay trở lại mua sắm, đi du lịch… doanh nghiệp sẽ lại bán được hàng, tồn kho ngoài dự kiến giảm, sản lượng sản xuất mới sẽ tăng, kinh tế sẽ sáng sủa trở lại.

Rõ ràng, thời điểm này biện pháp y tế vẫn là quan trọng. Chúng ta hãy khoan dùng những từ đao to búa lớn như gói kích cầu, gói kích thích kinh tế. Nếu cần một biện pháp kinh tế nào đó lúc này thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị thiệt hại do tác động của dịch bệnh là rất cần thiết.

Có một số ngành, mặt hàng chịu tác động từ dịch bệnh thời gian qua như xuất nhập khẩu nông sản qua các tuyến biên giới với Trung Quốc, du lịch trong đó chủ yếu là từ thị trường khách Trung Quốc, vận tải hàng không, logistics… 

Đây là một số ngành tiêu biểu có tác động. Ở các ngành này, các bộ ngành phải rà soát đánh giá lại tác động. Như chúng ta thấy ngay cả thiệt hại của từng ngành như vậy còn chưa tính được bao nhiêu thì hãy khoan nói chuyện đánh giá thiệt hại tổng thể nền kinh tế như thế nào.

Sau khi có đánh giá tác động cụ thể lên từng ngành, lĩnh vực rồi thì chúng ta mới có phương án hỗ trợ phù hợp. Như chúng ta thấy, nói là hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, nó là du lịch bị tác động… nhưng không phải thị trường nào, mặt hàng nào, nguồn khác nào cũng bị tác động. 

Thiết kế các chính sách hỗ trợ cần phải rõ ràng, đối tượng, điều kiện, cách thức hỗ trợ thế nào cần phải rõ ràng để đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng người ăn theo (free rider).

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời chỉ đạo các ngân hàng có chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch corona như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các khó khăn về hoạt động vay vốn. Tôi nghĩ đây là một hành động rất kịp thời của NHNN.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính cũng cần gấp rút đề xuất và triển khai các biện pháp hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, như miễn, giảm, giãn thuế cho người dân doanh nghiệp. Ví dụ như Chính phủ hiện nay trong két không thiếu tiền để cần thu ngay những đồng thuế của người dân, doanh nghiệp đang bị tác động của dịch bệnh, nên có thể tạm giãn thời gian nộp thuế. 

Chính phủ cũng có thể tăng mua để hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực đang chịu tác động của dịch bệnh nếu đó là mặt hàng Chính phủ có thể tăng mua dự trữ. Chống dịch bệnh cũng như việc cung cấp một hàng hóa công (public goods), chính phủ có thể tăng chi tiêu, tài trợ sản xuất và cung cấp cho các mặt hàng thiết bị y tế thiết yếu, ví dụ như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn… và cấp phát miễn phí cho người dân thay vì xã hội hóa là không phù hợp với nguyên lý.

Nói chung, tôi cho rằng đến thời điểm này, chưa đủ cơ sở để đưa ra những cái gọi là gói kích thích kinh tế hay gói kích cầu kinh tế. Không phải doanh nghiệp thiếu tiền, người ta đang sợ rủi ro lây bệnh nên tạm thời co cụm lại. Chống dịch thành công thì các nhịp đập kinh tế sẽ quay trở lại. 

Điều quan trọng là người dân cần có tâm lý tích cực với triển vọng chống lại dịch bệnh, còn doanh nghiệp cần có tâm lý tích cực đối với triển vọng kinh tế. Với ý nghĩa đó, những cải cách kinh tế, thể chế, môi trường đầu tư… hơn lúc nào hết cần được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đón đầu cơ hội ngay khi dịch bệnh vừa qua đi.

Kinh tế sẽ ra sao khi dịch bệnh được kiểm soát?

Ông có kỳ vọng kinh tế khởi sắc trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt?

Như tôi đã nói, người dân, doanh nghiệp hiện không phải đang thiếu tiền. Một khi dịch bệnh có triển vọng được kiểm soát tốt, người dân, doanh nghiệp có niềm tin vào những tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn thì nền kinh tế ắt sẽ sáng trở lại.

Tôi đặt niềm tin như vậy. Tôi cho rằng với sự chủ động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, nền kinh tế sẽ trở lại guồng tăng trưởng mới. Nếu doanh nghiệp nào có niềm tin, quyết đoán, đón đầu cơ hội thì sẽ bứt phá lên, nếu bi quan thì sẽ tự mình đánh rơi cơ hội.

Trong bối cảnh mọi người đứng yên, ai mạnh dạn bước lên thì sẽ có cơ hội bứt tốc. Thận trọng là cần thiết nhưng không phải vì thế mà bi quan, nghĩ lùi. Tôi tin sẽ có những doanh nghiệp có thể bứt tốc ngay trong thời điểm dịch bệnh này nếu nắm bắt được cơ hội, chọn thời điểm. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng có cơ hội lẫn thách thức.

Có ý kiến lạc quan cho rằng cần biến ảnh hưởng của dịch thành cơ hội để tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng ta nói nhiều đến vấn đề tái cơ cấu cả chục năm nay rồi, từ tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đến tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực cụ thể như ngân hàng, đầu tư, thị trường, v.v… Qua đợt dịch này, đôi khi cũng là dịp cho thấy nền kinh tế của chúng ta dễ tổn thương như thế nào trước các cú sốc.

Nếu sống trong “bầu không khí vô trùng” thì không thể biết được nền kinh tế đó có khoẻ không. Ngược lại, sống trong môi trường có “vi trùng, vi khuẩn” thì mới biết được bản lĩnh, sức đề kháng của nền kinh tế như thế nào.

 Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng nó đã xảy ra, thì hãy nhân cơ hội này, hãy mạnh dạn xốc lại nền kinh tế. 

Cách đây gần 15 năm, trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, những yếu kém của kinh tế Việt Nam chúng ta bộc lộ rõ nét. Nay đứng trước tác động của dịch bệnh từ nước khác, vô hình chung lại là một liệu pháp kiểm định sức đề kháng của nền kinh tế chúng ta.

Theo đó, có một vấn đề bộc lộ khá rõ, quan hệ kinh tế, thương mại của chúng ta vẫn còn phụ thuộc lớn vào nền kinh tế Trung Quốc. Mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, thị trường, đối tác đối với Việt Nam là rất quan trọng. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào nhiều hiệp định thương mại FTA với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có CPTPP và gần đây là EVFTA, để giúp đa dạng hóa nền kinh tế, song tựa như luật vạn vật hấp dẫn của Isaac Newton trong vật lý, quan hệ kinh tế và thương mại quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc với vị trí địa lý gần gũi cùng với quy mô kinh tế quá lớn của Trung Quốc là khó tránh khỏi.

Nghị viện Châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua EVFTA và EVIPA, đây là tin tích cực đối với chúng ta trong bối cảnh dịch bệnh, qua đó góp phần tạo kỳ vọng tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế đối với cộng đồng doanh nghiệp chúng ta. Tuy nhiên, việc đa dạng hoá thị trường cần tiếp tục được đẩy mạnh để không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, chứ không riêng gì Trung Quốc.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Mạnh (ghi lại)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm