Viễn thông di động "ngắm tới" vùng biên giới
Cuộc chạy đua giành khách hàng giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động đang có chuyển biến mới, không còn giảm giá, khuyến mãi, họ đang gấp rút tăng thêm trạm thu phát để mở rộng vùng phủ sóng. Thị trường mà các nhà cung cấp đang ngắm tới là khu vực biên giới - <a href=" http://www.dantri.com.vn/kinhdoanh/2005/5/56468.vip"> vốn bị các mạng di động nước ngoài chiếm mất </a>.
Nếu như cách đây 5 năm, tại các khu vực biên giới, vùng sâu và hẻo lánh, người dân vẫn chưa biết đến khái niệm máy điện thoại cầm tay thì nay, các mạng di động đã vươn sóng đến hầu hết các vùng trọng điểm trong thôn bản.
Là một doanh nghiệp mới nhưng Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã dám mạnh dạn đầu tư không chỉ những khu trung tâm, điểm nóng mà cả một số khu vực vùng sâu, bản thưa người. Còn các nhà cung cấp khác như VinaPhone và MobiFone vẫn chỉ giậm chân bên ngoài khu vực dọc quốc lộ. |
Phó chủ tịch huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, Trần Tiến Minh cho biết, nếu tính cả thuê bao cố định, trên địa bàn tỉnh có chưa đầy 150.000 thuê bao, tương đương với khoảng 3,5 máy/1.000 dân. "Con số này quá ít, có lẽ thế mà các nhà cung cấp ngại đầu tư".
Đầu tư tốn kém, hiệu quả kinh doanh không cao
Trong chiến lược phát triển của các mạng di động, yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp tính đến là phát triển thuê bao và đầu tư mở sóng ở những vùng trọng điểm cho hiệu quả kinh doanh cao. Chính vì thế, ở những khu vực vùng biên giới...các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa phủ sóng tới. Thậm chí những cửa khẩu - nơi giao thương buôn bán sầm uất, các mạng di động VN vẫn bị sóng nước ngoài lấn át.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone - cho biết, “đổ tiền” đầu tư vào những khu vực vùng núi, biên giới... thường tốn kém và cho hiệu quả kinh doanh không cao. Do vậy, một mạng di động mới ra đời bao giờ họ cũng muốn tập trung vào các vùng trọng điểm để thu hồi vốn, sau đó mới mở rộng ra các vùng nông thôn, vùng sâu và biên giới.
Theo tính toán của VinaPhone, đầu tư cho một trạm phủ sóng thường mất khoảng 50.000-150.000 USD (tùy loại). Nếu tính cả phần hạ tầng, nhà cột... con số này có thể lên tới gần 300.000 USD.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Viettel Lạng Sơn, cũng thừa nhận, lắp đặt một trạm thu phát tại khu vực miền núi thường tốn kém rất nhiều nhân lực, trong khi đó hiệu quả kinh doanh lại không cao do lượng thuê bao ít.
Để lắp được một trạm BTS trên đồi, các thiết bị phải được tháo dời sau đó vận chuyển từng bộ phận lên. Do vậy, có những trạm nhanh nhất cũng phải mất 2-3 tháng. "Biết là khó khăn và tốn kém nhưng là một đơn vị quân đội, bao giờ chúng tôi cũng phải đi tiên phong nên khó khăn cũng phải cố mà làm", ông Dũng nói.
Vươn sóng ra các khu vực biên giới
Ông Phạm Quang Hảo, Phó giám đốc Công ty GPC, thừa nhận, thời gian qua, các nhà cung cấp dường như đã bỏ ngỏ vùng biên giới, những khu vực xa xôi nơi có ít thuê bao hoạt động.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi giá cước không còn là vấn đề nóng thì vùng phủ sóng sẽ là yếu tố quyết định đến việc người tiêu dùng lựa chọn nhà cung cấp nào. Đặc điểm của các thuê bao di động là thường xuyên di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác nếu phạm vi phủ sóng hẹp sẽ rất khó phát triển được thuê bao.
Theo thống kê của VinaPhone, lưu lượng các cuộc gọi tại những vùng biên giới giáp ranh với VN đang ngày càng gia tăng do nhu cầu đi lại, buôn bán, giao thương... Chẳng hạn, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), trước đây, lưu lượng các cuộc gọi chỉ đạt 200 cuộc/ngày, hiện con số này tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, đó là chưa kể những ngày đầu năm nhu cầu thăm quan, du lịch và buôn bán nhiều.
Trong chiến lược phát triển kinh doanh của VinaPhone, năm nay, nhà cung cấp này sẽ tối ưu hóa cho mạng di động 091 bằng việc phủ sóng rộng đến 100% xã trên toàn quốc, đặc biệt là các khu vực vùng biên giới. Hiện nay, tại những khu vực cửa khẩu nơi diễn ra các giao dịch thương mại như Tân Thanh, Móng Cái, Đồng Đăng, Hữu Nghị..., VinaPhone đều có trạm thu phát sóng.
Không chỉ VinaPhone, ngay trong tháng đầu năm, mạng di động MobiFone cũng công bố đưa vào hoạt động 19 trạm phát sóng tại các huyện xa của hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Nghệ An... đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn với 100% các huyện có trạm thu phát sóng. Theo MobiFone, việc làm này sẽ khắc phục được tình trạng "mất sóng trên sân nhà" mà hơn ai hết khách hàng của họ đã phải chịu trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia viễn thông, khi giá cước rẻ, nhu cầu sử dụng di động sẽ ngày một tăng cao. Do vậy, không chỉ những khu vực cửa khẩu, vùng biên mà các huyện lỵ, vùng sâu ở các tỉnh sẽ là thị trường tiềm năng và sẽ rất phát triển trong tương lai.
Viettel cũng đã nhận thức rõ được điều này, nên thời gian qua, họ không ngừng phủ sóng tới những thị trường mà hai đối thủ là VinaPhone và MobiFone đang bỏ ngỏ này. Chẳng hạn, những khu vực hải đảo, vùng sâu - nơi sóng VinaPhone, hay MobiFone chưa vươn tới - thì khách hàng sử dụng mạng di động 098 có thể thực hiện cuộc gọi khá thoải mái.
Giám đốc Viettel Mobile Tống Viết Trung cho biết, việc phủ sóng ở những khu vực cửa khẩu cũng nằm trong chiến lược phát triển của công ty, bởi đây là những vùng trọng điểm có nhiều khách qua lại. Cuối năm 2005, nhà khai thác này vừa đưa vào hoạt động 3 trạm thu phát tại cửa khẩu Móng Cái với sức tải khoảng 3.600 thuê bao. Còn cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị Lạng Sơn sẽ có 2 trạm với sức chứa 2.400 thuê bao. Hiện Viettel đang lắp đặt thêm gần chục trạm mới, dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu tháng 5.
Theo giới chuyên môn, chạy đua mở rộng vùng phủ sóng sẽ ngày càng quyết liệt hơn giữa các dịch vụ. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thấm nhuần bài học về vùng phủ sóng từ S-Fone - nhà khai thác mạng di động CDMA tại Việt Nam. Bản thân lãnh đạo Tập đoàn SK Telecom tại Hàn Quốc - công ty mẹ của S-Fone tại VN - cũng thừa nhận: "Chúng tôi đã sai lầm khi chỉ tập trung phát triển vùng phủ sóng tại các thành phố lớn. Chúng tôi quyết sửa sai trong năm 2006".
Theo Hồng Anh
VnExpress