1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Viện Chiến lược Giao thông: Cần cơ quan độc lập đánh giá lợi ích BOT đối với dân

(Dân trí) - "Để đảm bảo khách quan, đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và người dân, cần có các cơ quan độc lập, giao các viện nghiên cứu tiến hành đánh giá lợi ích của dự án BOT mang lại và sức chi trả của người dân".

Trong báo cáo gửi Kiểm toán Nhà nước mới đây về thực trạng, giải pháp các dự án BOT, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (TDSI - đơn vị của Bộ GTVT) đã có những đề xuất trên nhằm phát triển minh bạch các hình thức đầu tư hợp tác công tư PPP - BT và BOT, và không gây ảnh hưởng quá lớn đối với người dân.

Mối xung đột các bên xung quanh chuyện thu phí BOT, trạm BOT đang diễn ra tại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Mối xung đột các bên xung quanh chuyện thu phí BOT, trạm BOT đang diễn ra tại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Theo cơ quan này: Cần đánh giá, so sánh thực tế lợi ích và chi phí của doanh nghiệp vận tải có tác động đến giá thành vận tải như thế nào khi BOT được xây dựng, trả lời trước công luận. Nếu tác động lớn, làm tăng giá thành vận tải lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức cạnh tranh của nền kinh tế cần nghiên cứu các phương án điều chỉnh hợp lý.

Thực tế về quản lý Nhà nước, Bộ GTVT hiện là đơn vị có chức năng quản lý lớn nhất, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tính đến cuối tháng 4/2016, Bộ GTVT đang quản lý tới 80 dự án BOT, BT, với tổng mức đầu tư lên tới 223.600 tỷ đồng, đa phần các dự án được khởi công từ sau năm 2012.

Theo Viện TDSI, trong khi các cơ chế chính sách của VN về xã hội hoá còn chưa đồng bộ, chưa có luật về PPP để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm thì rủi ro cho họ còn lớn như: tỷ giá, nhân lực trong nước về PPP yếu kém, hạn chế, rủi ro về kinh tế vĩ mô, bảo lãnh tài chính của dự án ở cấp Chính phủ.

Đặc biệt, vấn đề cố hữu của BOT hiện nay là chủ yếu tập trung vào các hệ thống đường bộ liên tỉnh, cải tạo đường cũ. Còn lại đang khó khăn thu hút vốn, nhà đầu tư đối với dự án có quy mô vốn lớn như đường bộ cao tốc, cảng hàng không (CHK), đường sắt, cảng biển lớn,..

"Năng lực quản lý dự án, cơ chế quản lý vận hành dự án xã hội hóa của cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong nước còn hạn chế dẫn tới chi phí cao. Nhà đầu tư tham gia các dự án PPP chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác các dự án...", Viện TDSI

Viện TDSI chỉ rõ góc khuất của các dự án BOT là: Năng lực quản lý dự án, quản lý đầu tư, xúc tiến đầu tư của Nhà nước còn nhiều hạn chế dẫn đến các hệ lụy phải điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian, thay đổi điều khoản hợp đồng làm giảm hiệu quả dự án, chất lượng công trình chưa đảm bảo, giảm niềm tin đầu tư, ...

Viện Chiến lược trực thuộc Bộ GTVT đề nghị: Thời gian tới, cần kiểm soát tốt doanh thu và chi phí: "Rà soát quy mô đầu tư, suất đầu tư, lưu lượng giao thông tại các trạm thu phí để xác định mức thu phí, lộ trình tăng phí phù hợp đảm bảo tốt nhất quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, tạo khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế".

Nguyễn Tuyền