1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

VIB: Không loại trừ khả năng mua lại mảng bán lẻ từ ngân hàng khác

(Dân trí) - Trả lời chất vấn cổ đông, lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng này không loại bỏ việc mua lại mảng bán lẻ của các ngân hàng hàng khác (không kể ngân hàng trong nước hay ngoài nước), miễn là chất lượng tài sản tốt, minh bạch. Cơ hội nào diễn ra trước và có khả thi thì sẽ được ngân hàng thực hiện.

Sau nhiều năm phát triển thận trọng, VIB bất ngờ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao cho năm 2017
Sau nhiều năm phát triển thận trọng, VIB bất ngờ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao cho năm 2017

Kế hoạch tăng trưởng huy động tiền gửi lên tới 35%

Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) diễn ra sáng nay (27/4), đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, VIB dù không phải ngân hàng phát triển mạnh nhất song là một trong những ngân hàng lành mạnh nhất, đi vào thực chất, nâng cao năng lực tài chính.

Theo đó, mặc dù thời hạn do NHNN đưa ra chưa đến nhưng VIB đã đưa Basel II vào ứng dụng với hệ số an toàn vốn (CAR) lên đến 13,5% - cao nhất thị trường.

Đây cũng là những vấn đề được cổ đông của ngân hàng này đưa ra chất vấn nhiều nhất tại đại hội năm nay. Một số cổ đông đặt câu hỏi trước việc biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng này tuy tăng cao nhưng vẫn còn có phần “lép vế” so với những ngân hàng khác có cùng quy mô, hình hướng phát triển.

Về câu hỏi này, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, ngân hàng vẫn đặt kế hoạch phát triển trọng tâm vào việc đẩy mạnh mảng bán lẻ và ngân hàng số. Đây là hai mảng mang lại lợi nhuận tăng trưởng cao cho VIB trong năm 2016, giúp cải thiện NIM cho ngân hàng.

Về nguồn vốn, năm 2017, VIB sẽ đẩy mạnh huy động vốn ở các kỳ hạn dài, trong đó, đã thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi giúp tăng trưởng huy động vốn rất nhanh chóng.

Theo công bố của VIB, năm 2016, nguồn vốn huy động tăng trưởng đạt tốt, các chỉ số an toàn như tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động (LDR) và tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lần lượt ở mức 65,6% và 47,1%, đều nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của NHNN.

Một số cổ đông không khỏi băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao “chót vót” mà VIB đặt ra cho năm 2017 lên tới 32% và tăng trưởng huy động tiền gửi cũng ở mức 35%.

Theo ông Hàn Ngọc Vũ, mục tiêu tăng trưởng huy động tiền gửi 35% được đặt trong mối tương quan với tốc độ tăng trưởng về tín dụng cho vay là 32%. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào quyết định của NHNN nên chỉ số tăng trưởng huy động tiền gửi có thể được điều chỉnh để phù hợp. Theo đó, nếu NHNN chỉ cho phép VIB tăng trưởng tín dụng ở mức 16% thì chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi sẽ thấp hơn.

Đi “ngược dòng” thị trường

Trao đổi với cổ đông, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, VIB có vẻ đi hơi ngược dòng so với nhiều ngân hàng trên thị trường. Nếu như giai đoạn 2010-2015, ngành ngân hàng bùng nổ tín dụng, thậm chí có ngân hàng sẵn sàng “vượt trần”, song VIB lại đặt trọng tâm của phát triển ngân hàng là quản trị rủi ro.

“Đó là giai đoạn mà chúng tôi không lấy vấn đề tăng trưởng nhanh làm quan trọng. Trong thời gian này, chúng tôi tập trung vào việc trích lập dự phòng, thay đổi cơ sở khách hàng (xấu-tốt), tách hẳn khách hàng tín dụng tốt sang bộ phận kinh doanh và chuyển khách hàng tín dụng xấu sang cho bộ phận quản trị rủi ro quản lý”, ông Vỹ cho hay.

Điều này cũng lý giải cho việc nợ xấu trong 5 năm này của VIB giảm với tốc độ lên tới 20-25% mỗi năm so với năm trước đó.

Lãnh đạo VIB cho rằng, ngân hàng này đã làm tròn vai trong quản trị rủi ro
Lãnh đạo VIB cho rằng, ngân hàng này đã làm "tròn vai" trong quản trị rủi ro

Chính vì vậy, lãnh đạo VIB cho rằng, từ năm 2016, ngân hàng này đã làm rất tròn vai trong vấn đề quản trị rủi ro. Nợ xấu của VIB trên thị trường được đối tác và các cơ quan quản lý đánh giá thực chất nhất, nếu thực sự thấy cần bán cho VAMC thì sẽ bán, thậm chí, năm 2016, VIB còn là một trong ba ngân hàng tiên phong mua lại nợ xấu từ VAMC.

Năm 2017, theo ông Vỹ, VIB đã có phương án dự phòng ngay cả trong trường hợp không tăng trưởng được 32% thì vẫn có thể đảm bảo được chỉ tiêu lợi nhuận 750 tỷ đồng thông qua dịch chuyển cơ cấu nguồn thu sang dịch vụ và bảo hiểm ngân hàng…

Ông Vỹ cũng khẳng định, lợi nhuận của VIB là “có chất lượng”. Bởi, theo ông Vỹ, thời gian một số ngân hàng tuy ghi nhận lợi nhuận rất cao song nhìn lại báo cáo tài chính thì lại có những khoản phải thu rất lớn. Ông Vỹ nhẩm tính, nếu 1 đồng của các khoản phải thu tương đương với 10 đồng nợ quá hạn thì số nợ quá hạn của ngành ngân hàng là khổng lồ, lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, VIB không không đồng nào liên quan đến các khoản phải thu nào như vậy.

Tại ĐHĐCĐ sáng nay, HĐQT VIB cũng đã trình thông qua nội dung hợp đồng, giao dịch chuyển nhượng; quyết định thời điểm nhận chuyển nhượng.

Ông Hàn Ngọc Vũ cho biết, ngân hàng này không loại bỏ việc mua lại mảng bán lẻ của các ngân hàng hàng khác (không kể ngân hàng trong nước hay ngoài nước), miễn là chất lượng tài sản tốt, minh bạch. Cơ hội nào diễn ra trước và có khả thi thì sẽ thực hiện.

Trước đó, theo một nguồn tin nước ngoài, VIB là 1 trong 5 ngân hàng định mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam. Tuy nhiên không lâu sau đó, Ngân hàng ANZ loan báo đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam và cuộc chuyển giao sẽ thực hiện trước thời điểm cuối năm 2017.

Bích Diệp