Vì sĩ diện, người Trung Quốc sùng hàng hiệu
Tặng quà đã trở thành thói quen căn bản trong nền văn hóa Trung Quốc - quốc gia được dự đoán sẽ trở thành thị trường xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới vào cuối năm nay.
Ở Trung Quốc, người ta có thể tặng nhau túi xách hiệu Louis Vuitton đắt tiền với hy vọng giành được một hợp đồng kinh doanh. Tại một buổi tiệc công ty, nhân viên có thể được nhận phần thưởng là chiếc máy tính bảng iPad.
Tết là mùa bội thu
Đối với những nhà bán lẻ hàng hiệu như Gucci, Cartier…, mùa mua sắm kéo dài từ Giáng sinh đến Tết Nguyên đán là mùa làm ăn bội thu nhất trong năm.
“Chuyện người Trung Quốc thích tặng quà là một trong những động lực chính khiến hàng xa xỉ bán chạy”, ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch và nhà nghiên cứu chính tại Hurun Report, đơn vị xuất bản tạp chí cho giới nhà giàu Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, nhận định. “Việc tiêu tiền vào quà tặng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán thực sự đáng kinh ngạc, so với phương Tây”, ông Hoogewerf nói.
Doanh thu xa xỉ phẩm ở phương Tây đang hồi phục trong cơn suy thoái toàn cầu trong khi con số này tăng vọt ở Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới đang là thị trường lớn thứ hai thế giới (sau Nhật Bản) về tiêu thụ hàng xa xỉ. Trung Quốc được dự đoán qua mặt Nhật Bản sớm nhất là vào cuối năm nay.
Tài sản cá nhân tăng và văn hóa tặng quà ở Trung Quốc đang thúc đẩy xu hướng này. Quà tặng cá nhân và kinh doanh chiếm 1/4 tổng doanh thu hàng xa xỉ ở Trung Quốc đại lục theo ước tính của Công ty tư vấn Mỹ Bain & Co.
Dịp Giáng sinh 2012, ông Zhang Yuqing, Giám đốc điều hành một công ty truyền thông ở Thượng Hải, tặng hoa tai kim cương hiệu De Beers cho bạn gái và một số đồng hồ Omega Seamaster (nhãn hàng mà điệp viên James Bond sử dụng trong phim) cho bạn thân và đối tác kinh doanh.
Tết Quý Tỵ 2013, ông Zhang mua nhiều xa xỉ phẩm hơn để làm quà tặng. “Có nhiều lý do để người ta tặng quà nhau, dù là người Trung Quốc hay người phương Tây. Chúng tôi thích chia sẻ với nhau”, ông Zhang nói.
Nữ doanh nhân Huang Le chuyên kinh doanh giày thể thao ở tỉnh Triết Giang, nói rằng, bà đã mua nhiều nhẫn kim cương Cartier và đồng hồ Patek Philippe để tặng quà Tết cho bạn thân và một số đối tác làm ăn.
Triệu phú bất động sản Yu Kang sống tại Thượng Hải cho biết, năm 2012 ông chi 2 triệu nhân dân tệ (6,6 tỷ đồng) cho việc mua quà tặng. Ông đã tặng 50 điện thoại iPhone, 10 máy tính bảng iPad 3, 5 máy tính bảng iPad mini và hàng chục máy tính Macbook cho bạn bè và các đối tác kinh doanh.
Trong số người mua hàng xa xỉ, 3/4 mua để làm quà, chủ yếu cho người thân, lãnh đạo của họ và đối tác làm ăn, theo khảo sát mới đây của Ruder Finn, công ty quan hệ công chúng có trụ sở ở Trung Quốc và Mỹ cho biết. Những nhãn hiệu hay được lựa chọn làm quà tặng, quà biếu là Louis Vuitton, Cartier và Hermes.
Hàng hiệu khắp nơi
Việc tăng trưởng nhanh chóng về tài sản của người Trung Quốc cũng như tình yêu của họ với hàng hiệu đã giúp các nhà bán lẻ hàng cao cấp mở rộng hoạt động, kiếm bộn tiền. Nhiều hãng sản xuất, kinh doanh hàng hiệu đã mở cửa hàng tại những thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Những năm gần đây, họ bắt đầu chú ý tới các thành phố cỡ vừa.
Tập đoàn Giorgio Armani, nổi tiếng với các thương hiệu như Giorgio Armani, Emporio Armani, A/X Armani Exchange, hiện có gần 300 cửa hàng ở Trung Quốc và muốn mỗi năm mở thêm 35 cửa hàng.
Tính đến cuối tháng 9/2012, Tập đoàn PPR đã có 54 cửa hàng Gucci và 27 cửa hàng Bottega Veneta ở Trung Quốc nhưng vẫn có kế hoạch mở thêm cửa hàng.
Các nhà sản xuất siêu xe, du thuyền và máy bay phản lực tư nhân cũng đang “ve vãn” người tiêu dùng khắp Trung Quốc, từ Thâm Quyến tới Hàng Châu.
Trung Quốc hiện có gần 1 triệu triệu phú (tài sản cá nhân trị giá từ 1,5 triệu USD trở lên), theo Hurun Report. Thứ hạng của những người giàu nhất tăng tới 20%/năm. Vì thế, doanh thu hàng xa xỉ cũng tăng theo.
Khẩu vị thích hàng hiệu không chỉ bó hẹp trong giới có tiền. Tầng lớp trung lưu ngày cảng mở rộng ở Trung Quốc cũng rất mê xa xỉ phẩm. Họ có thể chi tiêu tằn tiệu vài tháng để có thể mua được chiếc túi xách hiệu Louis Vuitton hoặc Gucci để tung tăng dạo phố.
Dai Lei (37 tuổi), thủ quỹ một công ty ô tô ở Thượng Hải, mua sắm hàng hiệu hai lần/năm mỗi khi cô đi công tác. Tháng 9 năm ngoái ở Hong Kong, cô mua chiếc nhân vàng màu hồng hiệu Bulgari với giá 1.000 USD. Tháng 11 năm ngoái tại Paris, cô bạo tay chi gần 13.000 USD để mua chiếc đồng hồ Blancpain.
“Tôi đã làm việc được 15 năm, nên hằng năm tôi đều có đủ tiền để mua hàng hiệu. Nhưng những người trẻ hơn có thu nhập thấp hơn. Họ thường tiết kiệm 3 tháng để mua một chiếc túi hàng hiệu”, cô Dai nói.
Sự mê đắm, đôi lúc ám ảnh bởi hàng hiệu có thể bắt nguồn từ tâm lý sĩ diện của nhiều người Trung Quốc cũng như tính thích hơn người và thích đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, theo Elan Shou, Giám đốc điều hành của hãng Ruder Finn ở Trung Quốc, chuyên kinh doanh sản phẩm Cartier, Hermes…
Một số người xem tạp chí để tìm hiểu hàng hiệu, sau đó đến cửa hàng mua không chỉ 1 hoặc 2 cái mà mua cả bộ sưu tập.
Người Trung Quốc không ngại khi trưng ra những logo hàng xa xỉ, vì họ coi chủ nghĩa biểu tượng là một phần quan trọng của văn hóa của mình, theo ông Simon Tye, giám đốc khu vực của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos.
“Người Trung Quốc có câu: “Không có nghĩa gì nếu bạn không thể trưng nó ra”. Hàng xa xỉ cho người mua một nền tảng khoa trương và khoa trương là rất quan trọng trong nền văn hóa này”, ông Tye nói.
Cấm quảng cáo tặng quà Trước Tết Quý Tỵ 2013, Cục Phát thanh, Truyền hình và Phim truyện (SARFT) của Trung Quốc yêu cầu mọi kênh TV và radio loại bỏ những quảng cáo đề cập hoặc hàm ý việc tặng quà xa xỉ như đồng hồ hàng hiệu, đồng tiền vàng… Theo SARFT, những quảng cáo như vậy góp phần quảng bá những giá trị không phù hợp, khiến việc tặng và nhận quà đắt tiền trở nên bình thường, xa rời mục tiêu của chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng… Ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, dịp Tết âm lịch xuất hiện nhiều cửa hàng nhỏ hẹp (diện tích vài mét vuông), treo biển “Thu mua rượu, thuốc lá, quà Tết” để mua lại quà Tết với giá thấp hơn giá thị trường 40-50%. |
Theo Trúc Quỳnh