Vì sao vùng đất "Chín Rồng" vẫn chỉ là vùng trũng của phát triển?
(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, là kho lương thực, bếp ăn của cả nước nhưng hiện là vùng trũng của sự phát triển.
Chiều qua (14/12), tại thành phố Cần Thơ, đã diễn ra lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright sau hơn 1 năm thực hiện.
Mất dần hào quang
Ths Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ cho biết, trước đây, khi nói về Đồng bằng sông Cửu Long, người ta nghĩ ngay đến những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào. Thế nhưng, thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy những lợi thế đó chỉ là "hào quang" và đang dần mờ nhạt.
Một con số đáng báo động từ báo cáo cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang mất dần những lợi thế vốn có và tụt hậu.
Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, khu vực này đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng... đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, tình trạng di dân gia tăng.
"Hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng", ông Lam nhấn mạnh.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nêu con số đáng báo động: năm 1990, GDP của TPHCM chỉ bằng 2/3 so với Đồng bằng sông Cửu Long thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến hôm nay.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long từng là vùng kinh tế quan trọng, đóng vai trò là kho lương thực, là bếp ăn của cả nước. Trước đây, khu vực này cũng đi đầu trong quá trình hội nhập, xuất khẩu.
Thế nhưng, một thực tế đáng buồn mà ông Lộc đưa ra là khu vực trù phú này đang tụt hậu, là vùng trũng của phát triển, đứng gần cuối cùng.
"Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 từ dưới lên, sau cả vùng núi. Đây là vùng trũng của năng lực phát triển", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Làm sao cho "13 con rồng" bay lên?
Rất nhiều ý kiến đồng lòng, không thể để một vùng kinh tế với nhiều tiềm năng và đóng góp lớn như đồng bằng sông Cửu Long cứ mãi manh mún và thiếu động lực phát triển như hiện nay.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu một chiến lược, định hướng phát triển vùng và cơ cấu, thể chế trong việc phối hợp phát triển vùng.
Chủ tịch VCCI cho rằng, phải khơi dậy những tiềm năng của vùng kinh tế này. Các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt để vùng đất "chín rồng" phát triển.
"Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch là những hướng đi mà có thể tạo bản sắc riêng của chuỗi cung ứng, kết nối với TPHCM và Đông Nam bộ tạo thành tam giác phát triển. Miền Tây trong tương lai đi đầu liên kết nội vùng, phải có khát vọng đứng đầu tam giác phát triển đó", ông Vũ Tiến Lộc gợi mở.
"Cửu Long không chỉ 9 con rồng như tên gọi mà làm sao 13 con rồng (13 tỉnh, thành - PV) cùng bay lên. To hay bé không còn là lợi thế. Quan trọng là nhanh hay chậm. Cần có cách khơi dậy tiềm năng thì hoàn toàn có thể vượt lên trong thời gian tới", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
TS Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, năng lực cạnh tranh của một vùng phụ thuộc vào yếu tố sẵn có (vị trí địa lý, tài nguyên); yếu tố do chúng ta tạo ra (hạ tầng văn hóa, giáo dục, kỹ thuật xã hội); năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - đóng vai trò trung tâm của năng lực cạnh tranh của vùng.
"Mô hình phát triển cũ của đồng bằng sông Cửu Long đã tới giới hạn, cần mô hình phát triển mới. Đồng bằng sông Cửu Long nằm sát ngay TPHCM và Đông Nam bộ phát triển nhanh nhất cả nước. Nếu đủ tầm nhìn, dũng khí, biến thách thức thành cơ hội, tôi tin trong 10 năm tới, sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TPHCM và Đông Nam bộ, tạo thành tam giác phát triển mạnh", ông Tự Anh khẳng định.