Bí thư TP.HCM chỉ ra điểm yếu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - Ngày 14/12, tại Bạc Liêu diễn ra hội nghị về liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TPHCM; cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và đại diện các sở, ban, ngành của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Qua thống kê của ngành du lịch các địa phương, năm 2018, ĐBSCL đón khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 17%; trong đó du khách quốc tế khoảng 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017.
Riêng 10 tháng của năm 2019, tổng số lượt khách của cả vùng đạt khoảng 32 triệu lượt, trong đó khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế.
Các con số trên cho thấy sự tăng trưởng vượt bật trong 2 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hoá và nguồn nhân lực dồi dào với gần 20 triệu dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, so với các điểm đến lân cận trong khu vực, chúng ta thấy các con số này sẽ tạo nên khoảng cách khá lớn. Như Bangkok (Thái Lan) với dân số khoảng 9 triệu người, nhưng năm 2018 đón gần 22 triệu lượt khách quốc tế. Hay Singapore, một đất nước với dân số chỉ hơn một nửa dân số TPHCM, nhưng năm 2018 đón 18,5 triệu lượt khách quốc tế; ngành du lịch đã đem về cho quốc đảo này 20 tỷ USD mỗi năm, cao hơn 3,3 lần tổng thu du lịch của TPHCM và gấp 19 lần tổng thu du lịch của cả vùng ĐBSCL.
Theo Chủ tịch TP.HCM, TP có những lợi thế về đầu mối giao thông, giao thương như sân bay Tân Sơn Nhất, ga xe lửa Sài Gòn… là đầu mối đón lượng khách lớn về TPHCM để tiếp tục hành trình về các tỉnh, thành ĐBSCL.
“Năm 2019, thành phố đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 32,7 triệu lượt khách nội địa. Nếu 2/3 số lượt khách này lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL thì sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng”, ông Nguyễn Thành Phong nhận định.
Sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện, du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí và văn hoá cộng đồng đô thị; còn thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Lợi thế chung của cả vùng là các giá trị di sản, văn hoá và lối sống đặc trưng của người Nam bộ.
“Có thể thấy, 14 địa phương vừa có điểm chung, vừa có sự khác biệt. Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng”, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thanh Phong nêu quan điểm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Dương Thành Trung cho biết, thế giới đánh giá Việt Nam xếp thứ 24/141 quốc gia về tiềm năng phát triển du lịch, trong 2 năm liền 2018 - 2019 được vinh danh là điểm đến hàng đầu của Châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xếp thứ 75/141 quốc gia về năng lực cạnh tranh du lịch. Điều này cho thấy, ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta còn nhiều việc phải làm, với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa.
Khu vực ĐBSCL có vị trí gần tuyến hàng hải Đông - Tây và nằm trong hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông, rất thuận lợi để thu hút du lịch. Qua nhiều thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa đã hình thành một nền văn hóa sông nước theo những đặc trưng riêng biệt gắn với hệ sinh thái tự nhiên và nền nông nghiệp lúa nước đặc thù. ĐBSCL có bờ biển khá dài, có nhiều đảo lớn, nhỏ với tiềm năng về du lịch biển, đảo rất phong phú.
Theo Chủ tịch Bạc Liêu, ngoài các yếu tố thuận lợi trên, ĐBSCL còn tiếp giáp với TPHCM, cùng tạo nên dư địa rất lớn để khai thác thị trường du lịch, nhất là với 9 triệu dân của TPHCM và hơn 20 triệu dân của ĐBSCL với nhu cầu hưởng thụ du lịch ngày càng cao; chưa kể lượng du khách rất lớn từ các vùng miền và khách quốc tế thông qua “cảng trung chuyển” TPHCM. Chính vì vậy, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để liên kết với TPHCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, khác biệt, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch khu vực phía Nam của Tổ quốc.
"Mặc dù tiềm năng rất đa dạng và phong phú, nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các điểm trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng.
Theo thống kê, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt; tổng thu từ ngành du lịch ước chỉ đạt 30.000 tỷ đồng. Dù đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực của các địa phương nhưng do còn thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm của cả nước", ông Dương Thành Trung đánh giá.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM- ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khách hàng đi du lịch là vì nhu cầu của họ, họ muốn xem cái gì, hưởng thụ cái gì, những nhu cầu của họ thì một địa phương không thể đáp ứng được. “Họ muốn đi xem cơ sở văn hóa lịch sử gắn với sông nước, nhưng TPHCM thì không có đặc trưng sông nước, chỉ có thế mạnh là trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị và một số di tích văn hóa, nhưng văn hóa ĐBSCL thì TPHCM không thể đại diện được. Như vậy, muốn phát triển du lịch thì phải liên kết, người ta muốn gì thì chúng ta liên kết đáp ứng nhu cầu đó, nếu mua sắm đến TPHCM, nhưng mà du lịch sông nước ở miền Tây nên rất cần có những tuyến đáp ứng cả 2 nhu cầu đó thì chỉ có liên kết mới làm được”, Bí thư Nhân nêu quan điểm.
Ngoài những điểm mạnh, Bí thư TPHCM cũng chỉ ra một số điểm yếu của vùng ĐBSCL như nhiều tài nguyên du lịch chưa được chuẩn hóa, quốc tế hóa, còn hoang sơ; ít doanh nghiệp du lịch, quản lý chưa gắn tốt giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường, hạ tầng giao thông kém phát triển,...
Về cơ chế hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết có 4 yêu cầu đặt ra là cần phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường, bám sát chiến lược du lịch quốc gia có sự hỗ trợ chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL.
“Xây dựng thương hiệu du lịch vùng là rất quan trọng. Nếu xây dựng thương hiệu du lịch rồi, giả sử mỗi tỉnh đi xúc tiến một lần, như vậy cả năm có 13 cuộc xúc tiến thì tất cả 13 tỉnh đều được xúc tiến luôn, mỗi tỉnh đi nói cho mình và cả vùng sẽ nâng cao hiệu quả lên và khách sẽ nhớ đến sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch vùng, nên cần triển khai sớm”, Bí thư Nhân đề nghị.
Bên cạnh xúc tiến du lịch, theo Bí thư TPHCM, thì tài nguyên văn hóa cũng rất quan trọng. TPHCM đang xây dựng danh mục các sự kiện văn hóa làm thường niên, trong đó có 3 sự kiện các tỉnh, thành ĐBSCL có thể tham gia là: Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian; liên hoan sân khấu cải lương - giải thưởng Trần Hữu Trang, thông qua giải thưởng này góp phần tôn vinh những nghệ sĩ nổi tiếng của toàn Nam Bộ; liên hoan ẩm thực Nam Bộ, mời các tỉnh đến trình diễn món ăn đặc sản, khen thưởng đầu bếp giỏi, khách sạn có thế mạnh về ẩm thực Nam Bộ…
Huỳnh Hải