1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vì sao USD sụt giá mạnh?

Thời gian qua, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động với việc đồng USD giảm giá kỷ lục so với các đồng tiền chủ chốt cũng như so với các đồng tiền Châu Á. Có thể nói, những biến động này có cội nguồn từ tình trạng mất cân đối nan giải trong nền kinh tế toàn cầu.

Đồng USD đã bất ngờ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro và mức thấp nhất trong 26 năm qua so với đồng bảng Anh trong phiên giao dịch ngày 11/7. Đồng bảng Anh đã có lúc tăng lên 2,0317 USD/bảng Anh -mức cao nhất kể từ năm 1981- và đóng cửa ở mức 2,0310 USD/bảng Anh. Trong khi đó, đồng euro đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 1,3787 USD/euro và cũng phá vỡ mức cao kỷ lục so với đồng yên Nhật là trên 167 yên/euro.

Trước đó, đồng USD cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ qua so với đồng đôla Ôxtrâylia (AUD). Xu hướng tăng giá đồng AUD vẫn tiếp tục và có thể còn lên tới mức cao kỷ lục 89,5 xu Mỹ/AUD hồi tháng 2/1989.

Trên các thị trường Châu Á, đồng USD liên tục giảm giá so với đồng baht Thái Lan và đạt ngưỡng 34 baht/1 USD vào chiều 5/7 -mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997/98. Kể từ đầu năm 2007 đến nay, giá của đồng baht đã tăng 7%, sau khi tăng 12% vào năm 2006.

Tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng USD có khả năng sẽ còn tiếp tục biến động trong thời gian tới sau khi trong phiên 2/7 đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua so với đồng NDT. Kể từ lần điều chỉnh đầu tiên vào tháng 7/05, đồng NDT đã tăng giá hơn 6,2% so với đồng USD.

Hiện có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến giá các đồng tiền, đặc biệt là tầm ảnh hưởng của chính sách lãi suất trên khắp thế giới, sự mất cân đối thương mại, những điểm khác biệt về tăng trưởng kinh tế và chính sách kiểm soát tiền tệ.

Đồng USD đã chịu sức ép trong 4 năm qua do tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ và quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm qua. Gần đây, là những lo ngại về lĩnh vực cho vay thế chấp yếu, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trong khi đó, đồng euro được hỗ trợ trước khả năng tăng lãi suất trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và tốc độ tăng trưởng tương đối mạnh của khu vực này so với Mỹ trong năm nay. Lãi suất Eurozone dự kiến sẽ tăng tăng hơn nữa vào đầu tháng 9 tới so với mức 4% hiện nay. Những khu vực tăng lãi suất thường thu hút các nhà đầu tư ngoại hối dẫn đến việc tăng giá đồng tiền ở khu vực này.

Tăng trưởng kinh tế cũng làm gia tăng nhu cầu đối với tiền tệ và nâng giá trị của đồng tiền. Đồng yên yếu chính là do tình trạng phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế Nhật Bản cũng như tỷ lệ lạm pháp yếu và mức lãi suất "siêu" thấp.

Giám đốc phụ trách ngoại hối Joanne Masters thuộc ngân hàng Macquarie Bank cho biết, đồng yên còn chịu sức ép do các nhà đầu tư tiến hành các hoạt động Carry-Trade (vay các loại tiền có lãi suất thấp như đồng yên ở Nhật Bản để tiến hành cho vay bằng các loại tiền có lãi suất cao như Ôxtrâylia hoặc Anh).

Ngân hàng trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất từ 5,75% lên 6% trước thời điểm cuối năm 2007. Giám đốc Masters cho biết các hoạt động Carry-Trade ngày càng trở nên phổ biến trước xu hướng tương đối ổn định về tỷ giá hối đoái và tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhân tố kinh tế vĩ mô này cũng chưa giải thích toàn bộ các vấn đề trên thị trường ngoại hối.

Các nhà hoạch định chính sách thường xuyên chỉ trích Trung Quốc duy trì đồng NDT ở mức thấp nhằm tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu trong nước. Trung Quốc đã đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục trong tháng 6/2007 và có dự trữ ngoại tệ vượt ngưỡng 1.330 tỷ USD tính đến cuối tháng 7/2007.

Mỹ cũng bị coi là ngầm giữ đồng USD yếu để thúc đẩy xuất khẩu và giảm mức thâm hụt thương mại khổng lồ.

Trong khi đó, việc đồng euro và đồng bảng Anh tăng giá cũng không gây ra nhiều phản ứng. Tại Anh, mặc dù đồng bảng tăng mạnh, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn vững ở mức 3% nhờ lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Trong Eurozone, thái độ đối với đồng tiền chung tăng giá giữa 13 nước thành viên cũng khác nhau trước những lợi thế và bất lợi của việc đồng euro mạnh.

Hàng xuất khẩu của Eurozone trở nên đắt đỏ hơn trên các thị trường quốc tế, thị phần các hàng hóa xa xỉ, thị phần của ngành hàng không, ngành du lịch, ô tô và hóa chất đặc biệt bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp có thể phải chuyển việc chế tạo ra bên ngoài khu vực để giảm chi phí và duy trì sự cạnh trên thị trường thế giới, nhưng động thái này có nguy cơ làm giảm việc làm. Hàng hóa sản xuất trong Eurozone có thể đắt đỏ hơn hàng hóa nhập khẩu, khiến cho các doanh nghiệp châu Âu bị mất thị phần ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, khi giá đồng euro tăng lên, hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn, giá năng lượng giảm do giá mặt hàng này được tính bằng đồng USD. Các doanh nghiệp Eurozone có vị thế lớn hơn trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Lạm phát cũng nằm trong tầm kiểm soát khi giá hàng hóa nhập khẩu tự động giảm.

Trong khi đó, việc các đồng tiền châu Á, như đồng baht Thái, tăng giá so với đồng USD chủ yếu mang lại bất lợi. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Krirkkrai Jirapaet đã thừa nhận sự dao động của đồng baht có thể tác động đến khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của đất nước.

Trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính mới đây, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet nhận định: "Nếu xem xét vấn đề tỷ giá hối đoái, chắc chắn có một số nhân tố mà chúng ta không thể kiểm soát được đầy đủ".

Theo TTXVN