1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vì sao thực phẩm Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiễm độc?

(Dân trí) - Trứng gà giả, thịt lợn nhiễm chất tạo nạc, sữa nhiễm chất độc hóa học, chất gây ung thư…những vụ bê bối thực phẩm bẩn liên tục khiến dư luận Trung Quốc hoang mang. Đâu là nguyên nhân đằng sau những scandal liên tiếp này?

Những năm gần đây các vụ bê bối thực phẩm tại Trung Quốc bị phát hiện ngày một nhiều với mức độ nghiêm trọng không ngừng tăng lên. Mới đây nhất người dân nước này lại bàng hoàng khi chỉ trong 1 tháng có đến 2 hãng sữa bị gặp vấn đề với chất lượng sản phẩm.

Các vụ bê bối thực phẩm chưa chất độc ở Trung Quốc ngày một nhiều (Ảnh: Internet)
Các vụ bê bối thực phẩm chưa chất độc ở Trung Quốc ngày một nhiều (Ảnh: Internet)

Hồi tháng 6, nhà sản xuất sữa lớn nhất nước này là Inner Mongolia Yili Industrial Group đã phải thu hồi sữa bột dành cho trẻ em vì bị phát hiện có hàm lượng thủy ngân “cao bất thường”. Và đến hôm 23/7, sữa bột cho trẻ sơ sinh của công ty Hunan Ava Dairy Co Ltd cũng buộc phải thu hồi vì có chất gây ung thư.

Tháng 4/2011, 17 công ty sản xuất mỳ ăn liền tại Quảng Đông bị buộc phải đóng cửa nhà máy vì bị phát hiện sử dụng mực và thuốc tẩy để làm đẹp cho sản phẩm của mình. Trước đó không lâu 300 người dân thành phố Changsha bị bệnh vì ăn phải thịt có chứa chất tạo nạc. Cũng chính một người dân Changsha trước đó đã phát hoảng khi phát hiện miếng thịt để trong nhà bếp phát sáng trong đêm.

Những vụ việc liên tiếp bị phanh phui khiến nhiều người không khỏi băn khoăn vì sao một nền kinh tế ngày càng phát triển như Trung Quốc lại phải vật lộn với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những nguyên nhân lớn nhất, theo Lester Ross, luật sư của hãng luật WilmerHale tại Bắc Kinh, đó chính là tâm lý kiếm lời bằng bất kỳ giá nào.

“Để giảm chi phí không ít công ty tìm đến cách sử dụng chất phụ gia và xem đó như là một giải pháp hữu hiệu mà không cần quan tâm tới tác hại của các chất này với người tiêu dùng”, ông Ross trả lời tờ Wall Street Journal. Nhưng một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém đó chính là sự quản lý kém hiệu quả thậm chí là bất lực của chính phủ nước này trong việc có những giải pháp căn cơ.

Trung Quốc có thể tung ra những chiến dịch tuyên truyền lớn. Họ có thể phủ khắp các các nhà ga tàu điện ngầm, trạm xe bus, chợ, siêu thị với các băng rôn tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Những năm gần đây, truyền thông cũng nói rất nhiều về tác hại của các chất phụ gia độc hại tới sức khỏe. Thậm chí không ít nhà sản xuất bị khám xét, phạt tiền và thậm chí là bỏ tù, xử tử hình như trong vụ sữa nhiễm melamine, nhưng số lượng vụ bê bối thực phẩm không hề giảm.

Bắc Kinh cũng đã rất nỗ lực tạo ra những quy chuẩn an toàn thực phẩm hiện đại nhưng hoạt động giám sát, triển khai một khi bị giao cho những lực lượng thực thi không được đào tạo bài bản, thiếu thốn cả về trang thiết bị lẫn nhân lực thường chỉ như "ném đá ao bèo".

“Hầu hết họ hoạt động như rắn không đầu, không nắm được những loại bệnh nào chủ yếu bị gây ra bởi thực phẩm bẩn cần được nhận diện hoặc những chất gây nhiễm độc nào thường xuất hiện trong quá trình chế biến”, tiến sỹ Peter Ben Embarek, một chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Bắc Kinh chia sẻ với tờ New York Times.

Các vụ bê bối thực phẩm ở Trung Quốc cũng ngày một nhiều một phần bởi các nhà sản xuất đang hoạt động trong một môi trường cạnh tranh quá khốc liệt, nơi các loại phụ gia bất hợp pháp được bán tràn lan. Họ tính toán chính xác được rằng con số lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bất chính vượt xa án phạt trong trong trường hợp bị bắt.

Trong khi đó sự phát triển bùng nổ của kinh tế Trung Quốc đã sản sinh ra gần nửa triệu nhà sản xuất thực phẩm (thống kê của cơ quan chức năng) nhưng có đến 80% chỉ có chưa tới 10 lao động khiến việc giám sát, quản lý càng trở nên khó khăn. Việc chính phủ quá chú tâm tới phát triển kinh tế hoặc nếu có chỉ là những biện pháp trấn an dư luận cũng khiến nạn thực phẩm bẩn lan tràn.

Người Trung Quốc cũng e ngại khi dùng sản phẩm trong nước
Người Trung Quốc cũng e ngại khi dùng sản phẩm trong nước (Ảnh: Internet)

Trong một phát biểu trên tờ Nhân dân nhật báo tháng 4/2011, thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định: “Tất cả những vụ bê bối an toàn thực phẩm nghiêm trọng vừa qua là đủ để cho thấy sự suy giảm đạo đức và liêm chính trong kinh doanh đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng”.

Còn Phó thủ tướng Lý Khắc Cường thì khẳng định với Tân hoa xã rằng: “Chúng ta cảm thấy thật đáng xấu hổ. Ngay khi người dân vừa đủ ăn thì vấn nạn mất an toàn thực phẩm lại xảy ra. Thật quá xấu hổ cho chúng ta”. Nhưng rốt cuộc sau những tuyên bố ấy vẫn có thêm nhiều vụ thực phẩm nhiễm độc bị phát hiện.

Tiến bộ đáng kể nhất được ghi nhận thời gian qua đó là việc Trung Quốc đã thông qua được Luật an toàn thực phẩm năm 2009, không lâu sau vụ sữa nhiễm độc melamine khiến 300.000 trẻ em mắc bệnh và 6 em đã thiệt mạng. Hàng trăm tiêu chuẩn chất lượng tầm quốc tế được đưa ra khiến khoảng một nửa số công ty sữa buộc phải ngừng hoạt động đề chờ giấy phép mới.

“Tình hình đang dần cải thiện”, Luo Yunbo, trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Nông nghiệp Bắc Kinh nhận định. “Tình hình không tồi tệ như người ta nghĩ”. Có thể ông Luo đúng nhưng chắc chắn chưa được cải thiện đến mức người dân cảm thấy an toàn.

“Về cơ bản mọi người cảm thấy giờ ăn gì cũng không an toàn”, Sang Liwei, giám đốc văn phòng Diễn đàn an toàn thực phẩm toàn cầu, một tổ chức tư nhân nhận xét. “Họ không biết phải làm thế nào. Mọi người đều cảm thấy thực sự bất lực”.

Bản thân Bộ trưởng y tế Trung Quốc Chen Zhu từng thừa nhận với báo giới rằng cơ quan này không có đủ người để giám sát an toàn thực phẩm. Hiện cứ mỗi 1 thanh tra thực phẩm phải đảm bảo an toàn cho hơn 10.000 dân Trung Quốc.

Thay vì xác định các rủi ro đối với an toàn thực phẩm và buộc các nhà sản xuất phải chứng minh mình đã loại trừ các nguy cơ ấy, thì như mô tả của tiến sỹ Ben Embarek của WHO, các thanh tra viên Trung Quốc vẫn đang thực hiện một quy trình lạc hậu là kiểm tra ngẫu nhiên và lấy mẫu sản phẩm đem xét nghiệm.

Ngay cả những chiến dịch kiểm tra rầm rộ nhất của Bắc Kinh cũng tỏ ra không hiệu quả. Điển hình như sau scandal sữa nhiễm melamine 2008, tất cả các sản phẩm sữa có chất này đều bị yêu cầu phải tiêu hủy. Thế nhưng sau đó chất cấm này vẫn liên tục xuất hiện trong thực phẩm. Tháng 5/2011 cảnh sát thành phố Chongqing đã phát hiện tới 26 tấn sữa bột nhiễm melamine tại một nhà máy sản xuất kem.

Hay như clenbuterol, một chất tạo nạc đã bị Trung Quốc cấm từ gần 10 năm trước thì hiện vẫn đang được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi lợn. Nhiều nông dân dùng chúng vì nó giúp lợn của họ nhiều thịt nạc hơn, dễ bán hơn cho các lò mổ. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi năm ngoái Shuanghui Group, một trong những nhà cung cấp thịt lớn nhất Trung Quộc buộc phải thu hồi hàng nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt sau khi có tin một công ty con của họ đã chế biến thịt từ lợn được nuôi bằng chất tạo nạc.

Để tự bảo vệ mình trong lúc chính phủ còn đang bất lực, người dân Trung Quốc giờ quay sang dùng sữa nhập khẩu cho con cũng như đổ xô tới các siêu thị mua hàng nhập khẩu khác. Kết quả điều tra được Viện An toàn thực phẩm và dược phẩm Thượng Hải cùng ĐH Khoa học và Kỹ thuật Đông Trung Quốc công bố hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, hơn 70% người được hỏi tin rằng thực phẩm Trung Quốc không an toàn. Trong đó, hơn 1/4 (gần 28%) đã chọn phương án "cực kỳ mất an toàn".

Thanh Tùng
Tổng hợp