Vì sao thị trường vẫn khát vàng?
Tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức 3 phiên đấu thầu vàng, chứng tỏ thị trường vẫn đang rất khát vàng.
Nếu loại trừ việc một số ngân hàng chưa kịp tất toán xong trạng thái vàng trước 30/6 thì còn hai nguyên nhân khiến thị trường vẫn khát vàng.
Thứ nhất, NHNN độc quyền về nhập khẩu vàng cho nên chỉ một mình NHNN có vàng. Các ngân hàng, DN muốn có hàng bán phải mua từ NHNN, và nguồn từ dân.
Nhưng hiện nay, số người dân đi bán vàng ít, nên nguồn vàng của DN chủ yếu là từ các phiên đấu thầu. Đây là lý do khiến nhiều phiên đấu thầu “cháy vàng”.
Lý do thứ 2 là thời điểm hiện nay nhiều biến động, nên tâm lý của người dân chủ yếu vẫn là giữ vàng, và tăng cường mua vào.
Theo ông, NHNN có nên thay đổi cách thức đấu thầu vàng miếng trong bối cảnh hiện nay?
Hiện nay, NHNN chính là người đang "làm giá" thị trường vàng. Bởi NHNN độc quyền vàng miếng, nên muốn giá bao nhiêu thì ấn định bấy nhiêu. Với mức giá thị trường mà NHNN đang ấn định trong các phiên đấu thầu hiện nay, chắc chắn không thể kéo giá thị trường xuống vì DN kinh doanh vàng còn phải có lợi nhuận.
Tôi cho rằng, kéo giá vàng xuống sát với giá thế giới cực kỳ đơn giản. Ví dụ, khi tung ra 40.000 lượng vàng đấu thầu mỗi phiên, thì ngay lập tức, NHNN có thể mua ngay 40.000 lượng từ thị trường thế giới về bù đắp. Tay phải mua, tay trái bán là hoàn toàn hợp lý.
NHNN cho rằng, cơ quan này không kiểm soát được giá bán lẻ. Hơn nữa, chưa chắc NHNN bán vàng đấu thầu giá rẻ thì DN, ngân hàng cũng bán rẻ vàng ra thị trường. Ông nhận định sao về vấn đề này?
NHNN nói không kiểm soát được giá vàng bán lẻ là không hợp lý. NHNN là cơ quan độc quyền vàng miếng nên có quyền quyết định giá. Giá đấu thầu mà NHNN đưa ra chính là giá thị trường. Nếu NHNN áp dụng giá đấu thầu thấp thì giá thị trường sẽ xuống ngay.
Về việc NHNN sợ bán vàng đấu thầu giá thấp, DN mua rồi đẩy giá bán lên cao kiếm lời là không đúng. Bởi cơ quan quản lý hoàn toàn có thể ngăn chặn. Cụ thể, khi đấu thầu bán vàng cho các DN, ngân hàng, NHNN sẽ đưa ra “trần” giá bán cho các DN, ngân hàng. Các đơn vị trúng thầu chỉ được bán vàng trong mức giá cho phép, chỉ được “ăn” chênh lệch ở một tỷ lệ thích hợp.
Như vậy, DN mua vàng giá rẻ sẽ phải bán ra thị trường giá rẻ, lập tức tạo ra mặt bằng giá mới cho thị trường theo hướng gần với giá thế giới.
Có ý kiến cho rằng, chênh lệch giá vàng cao cũng không ảnh hưởng gì tới kinh tế vĩ mô,thậm chí còn lợi cho ngân sách nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Quan điểm này chưa khách quan. Theo tôi, trong cơ chế thị trường, có 3 chủ thể: Nhà nước, DN và người dân. Ba chủ thể này phải được đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước thu thuế của DN kinh doanh, DN hưởng lợi nhuận còn người tiêu dùng mua bán hưởng chênh lệch từ việc giá lên xuống.
Cơ quan điều hành đưa ra chính sách phải đảm bảo hài hòa lợi ích 3 chủ thể này. DN tồn tại và phát triển, thì kinh tế mới phát triển được. Còn người dân được hưởng lợi, thì dân giàu nước mới mạnh.
Vậy theo ông, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bao nhiêu là hợp lý?
Theo chúng tôi tính toán, chênh lệch giá vàng vào khoảng 45-50 USD/lượng (khoảng 1 triệu đồng/lượng) là hợp lý.
Trước đây, NHNN cho rằng sau 30/6, khi các ngân hàng hoàn tất trạng thái vàng thì khoảng cách chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp song thực tế thì lại doãng ra. Quốc hội cũng đã có Nghị quyết yêu cầu NHNN phải kéo giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới.
Cho nên trong tình hình hiện nay, có hai vấn đề NHNN cần xem xét lại. Thứ nhất, có nên độc quyền một thương hiệu vàng miếng. Thứ hai, cần sửa đổi một số bất cập trong Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng.