Vì sao thị trường thép mất cân đối?

Báo cáo cân đối cung-cầu thép của Bộ Công nghiệp vừa qua cho biết, năng lực sản xuất thép xây dựng trong 2006 hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu 3,8 - 3,9 triệu tấn, trong khi phôi thép vẫn phải nhập khẩu ước 2,1 -2, 5 triệu tấn. Như vậy, thị trường thép 2006 vẫn tiếp tục bộc lộ sự mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn - hạ nguồn cũng như quá thiên lệch về thép xây dựng.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng sự thiếu cân đối của thị trường thép gần đây chủ yếu xuất phát từ một số lý do sau:

 

Thứ nhất, do sức hút mạnh mẽ về lợi nhuận nên các dự án đầu tư ngành thép đã không tuân theo quy hoạch. Rất nhiều dự án được cấp phép ồ ạt, chủ yếu là ở các địa phương.

 

Hiện đang có tình trạng, tỉnh nào cũng muốn "làm thép". Thậm chí, những dự án có năng lực lớn nhưng e ngại trình hồ sơ lên cấp trung ương có thể bị... lâu nên nhiều chủ dự án được tỉnh bật đèn xanh, cố tình "bóp" dự án nhỏ lại để nằm gọn trong thẩm quyền đầu tư cấp tỉnh. Rồi sau khi sản xuất một thời gian, chủ dự án này làm động tác xin phép mở rộng công suất để hợp thức hóa là xong! Trường hợp dự án thép P. ở tỉnh NB là một ví dụ.

 

Thứ hai, các dự án chủ yếu tập trung ở ngành thép xây dựng là do nhu cầu kiến thiết cơ bản trong thời gian gần đây và sắp tới còn tăng cao. Trong khi công nghệ sản xuất thép xây dựng không cần đầu tư nhiều vốn và phức tạp như công nghệ sản xuất các thép khác.

 

Thứ ba, sự quá cởi mở của cơ quan kiểm định chất lượng thép, đặc biệt là cơ quan kiểm định chất lượng nguyên liệu đầu vào các công trình cơ bản đã góp phần dẫn đến chất lượng thép ngày càng bị ăn bớt, bị làm "điêu".

 

Đáng lẽ, từ thực tế này, các nhà quản lý phải nhìn nhận đúng và có động thái tích cực để giữ thăng bằng cho thị trường nhưng thực tế đang tồn tại khá nhiều bất cập.

 

Thép đi một chân!

 

Chín tháng đầu 2005, thị trường thép trên thế giới không có những cú sốc như 2004 nhưng tại một số khu vực, giá phôi vẫn có chiều hướng tăng nhẹ trong khi nhu cầu yếu. Lý giải hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đã cắt giảm sản lượng với mong muốn đẩy giá thép lên.

 

Mức giá phôi thép nhập khẩu trung bình trong chín tháng năm 2005 ước 380,81 USD/tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2004 (375,63 USD/tấn). Gần đây, giá chào phôi thép đang phổ biến ở mức 375 - 385 USD/tấn CFR, thậm chí có đơn chào hàng lên tới 390 USD/tấn CFR. Các chuyên gia dự báo, trong quý IV/2005, giá phôi thép chỉ dao động trong khoảng 375- 390 USD/tấn, ít có khả năng tăng trên 400 USD/tấn.

 

Về cân đối cung-cầu thép trong 2006, Bộ Công nghiệp dự báo, sản xuất thép xây dựng hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu, bởi hiện tại, năng lực cán thép của các DN đã đạt xấp xỉ 5,61 triệu tấn/năm.

 

Mặt khác, nhiều dự án thép xây dựng tiếp tục sản xuất, làm tăng sản lượng quá mức cần thiết. Từ thực tế này, sự cạnh tranh của các DN thép xây dựng ngày càng gay gắt, đẩy rủi ro trong sản xuất và kinh doanh ngày càng cao.

 

Giữa lúc thị trường thép xây dựng hết sức nóng thì các thép khác như thép phẳng, thép tấm, thép inox, thép lá, thép ống... hầu như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thị trường thép thành phẩm nói chung, thép xây dựng chiếm đến 60%, các thép khác chỉ chiếm 40%.

 

Nhưng trong số 40% này phải nhập khẩu đến 90%, trong nước chỉ đáp ứng nhu cầu 10%. Hiện tại, mới chỉ có dự án cán nguội Phú Mỹ với công suất 205 ngàn tấn/năm đang đi vào hoạt động và cán nguội Hoa Sen có công suất 120 ngàn tấn/năm đang xúc tiến đầu tư.

 

Phôi thiếu trầm trọng

 

Mặc dù Chính phủ đã có quyết định số 134/2001/QĐ-TTg ngày 10/9/2001, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thép đến 2010 nhưng diễn biến trên thị trường gần đây cho thấy, sự phát triển ngành này đang có xu hướng mất cân đối và bất ổn.

 

Thứ nhất, đối với thép xây dựng, nếu tất cả các nhà máy mở hết công suất, cộng với lượng thép tồn kho, gần như lúc nào khả năng cung cũng xấp xỉ gấp đôi cầu. Trong khi đó, năng lực sản xuất phôi hàng năm chỉ đáp ứng được 41%, phần còn lại phải nhập khẩu và chịu sự biến thiên lớn của giá trên thế giới.

 

Thứ hai, để lấy lại sự cân bằng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích các dự án sản xuất phôi, được dựa trên hai nguồn nguyên liệu: quặng và thép phế. Nhưng thị trường phôi hiện tại đang đối mặt với không ít khó khăn. Đối với quặng, hiện tại Việt Nam có hai mỏ có trữ lượng lớn là Quý Sa và Thạch Khê.

 

Mỏ Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn trong khả năng khai thác, đáp ứng khoảng 70 năm nhu cầu phôi cả nước, hiện đã kết thúc giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang bước vào giai đoạn nghiên cứu khả thi. Nhưng một chuyên gia trong ngành thép cho rằng, để sử dụng được nguồn quặng từ Thạch Khê ít nhất cũng ba đến năm năm nữa.

 

Vì vậy, để có thể sản xuất phôi, phải dựa vào nguồn thép phế. Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, nếu phát huy hết công suất thiết kế, mỗi năm ngành thép cần từ 1,5- 2 triệu tấn thép phế. Hiện tại, giá thép phế thấp hơn giá thép khoảng 70 USD/tấn và cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường thép nói chung. Nhưng các dự án sản xuất phôi sẽ ngày càng nhiều, cạnh tranh càng quyết liệt, làm tăng giá thành phôi thép và thép cán.

 

Trong vấn đề chủ động thép cán nguội, đáng lý hiện đang có một số dự án (Phú Mỹ) đã sản xuất được cán nguội thì Nhà nước phải tăng mức thuế nhập khẩu lên 10% như các nước trong khu vực để hỗ trợ thì Việt Nam vẫn duy trì mức thuế này là 5%, gây bất lợi cho sản xuất trong nước.

 

Đó là chưa nói đến một vài can thiệp gây mất công bằng của cơ quan quản lý, làm ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất phôi. Việc miễn thuế nhập khẩu phôi thép cho Pomihoa, trong khi DN này không thuộc đối tượng được miễn là một ví dụ.

 

Theo VnEconomy