Vì sao Saigon Co.op thua người Thái trong cuộc đua mua lại Big C?

(Dân trí) - "Saigon Co.op đã đi qua nhiều vòng, đến khi chỉ còn 3 đối thủ mà toàn những đối thủ lớn và nếu như không có những “trục trặc kỹ thuật” thì Saigon Co.op đã mua được thành công hệ thống của Big C rồi", Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam xác nhận.

Vì sao Saigon Co.op thua người Thái trong cuộc đua mua lại Big C? - 1

Thông tin từ toạ đàm "Thị trường bán lẻ: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?" diễn ra chiều ngày 29/9 cho biết, trong thương vụ mua lại hệ thống Big C từ tay người Pháp diễn ra hồi đầu năm nay đã có 2 nhà đầu tư đi đến vòng chung kết là Saigon Co.op Mart và Central Group của Thái Lan. Cuối cùng người Thái đã thắng.

Tuy nhiên, Saigon Co.op Mart đã thua vì không phải trả giá thấp mà thậm chí họ còn trả giá cao hơn phía Central Group nhưng do vướng mắc "một số cơ chế" nên đành rút lui.

Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam xác nhận: "Câu chuyện đó rất dài, nhưng có thể thấy Saigon Co.op đã đi đến bước cuối cùng. Saigon Co.op đã đi qua nhiều vòng, đến khi chỉ còn 3 đối thủ mà toàn những đối thủ lớn và nếu như không có những “trục trặc kỹ thuật” thì Saigon Co.op đã mua được thành công hệ thống của Big C rồi".

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart thì cho biết, việc lựa chọn đơn vị nào thắng bao gồm nhiều yếu tố. Tuy nhiên, về các thủ tục thanh toán, pháp lý, vận chuyển, do phía Big C đã đặt ra một số điều kiện khiến Saigon Co.op rơi vào thế khó và không thực hiện được.

"Saigon Co.op Mart trả giá không thua kém đối tác nước ngoài và cũng không thua họ về năng lực, có đủ sức vận hành hệ thống mà không ảnh hưởng đến thương hiệu của họ. Tuy nhiên trước khi quyết định tham gia vào thương vụ này chúng tôi đã suy nghĩ kỹ. Rất tiếc cho chúng tôi đã không thành công, nhưng đây cũng sẽ là bài học để chúng tôi củng cố thêm các thông tin và có bước chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới", ông Hoàng Anh nói.

Ngoài thương vụ người Thái mua lại hệ thống siêu thị Big C, thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) đã có dấu hiệu rất sôi nổi trên thế giới đã vài năm nay. Tại Việt Nam, cách đây 3-5 năm đã nói về bùng nổ M&A ở Việt Nam, trong đó có thị trường bán lẻ. Nhưng thực tế thì cũng thực sự chưa bùng nổ lắm.

"Từ phía Hiệp hội các nhà bán lẻ, chúng tôi xác nhận rằng chỉ 2 năm gần đây, các vụ M&A mới thực sự sôi động trên thị trường bán lẻ. Nói về xu hướng, qua các nghiên cứu chúng tôi nhận định rằng, chắc chắn trong vài năm tới xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển bởi chính những lý do từ bản thân doanh nghiệp cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài", bà Loan nói.

Nói về tác động của M&A đến thị trường bán lẻ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay: "M&A là quá trình chủ động từ hai phía tùy theo từng trường hợp. Nếu chúng ta chủ động tìm hiểu, tham gia vào các đối tác mạnh thì chúng ta sẽ mạnh hơn, có kinh nghiệm để phát triển hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp M&A xong, doanh nghiệp Việt Nam bị độc quyền kinh doanh, độc quyền tăng giá thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất thị trường".

Theo ông Phong, cái gì cũng có tính hai mặt, M&A sẽ tích cực nếu doanh nghiệp chủ động, và xấu đi khi chúng ta mất dần một số thương hiệu, bị lấn sân, qua đó lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam thay vì ở trong nước thì lại chảy ra nước ngoài.

"Tôi cho rằng, trong tổng thế nếu Chính phủ, Hiệp hội, doanh nghiệp liên kết tốt để chủ động đón nhận thì M&A sẽ tiếp thêm sinh lực phát triển, và ngược lại, chúng ta có thể sẽ mất đi cơ hội, mất đi thị phần", ông nói thêm.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm