Nước nào mua nhiều vàng nhất?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Năm 2024, lượng vàng giao dịch trên toàn cầu lên mức cao kỷ lục do nhu cầu trú ẩn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị. Các ngân hàng trung ương mua 1.044 tấn vàng.

Mới đây, Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC) công bố báo cáo thường niên về xu hướng vàng toàn cầu. Theo báo cáo này, lượng vàng giao dịch trên toàn cầu đã lên cao kỷ lục, với 4.974,5 tấn, do hoạt động đầu tư tăng lên. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng tăng tốc mua vàng trong quý cuối năm.

Năm ngoái, giá vàng tăng 27% và ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Nhà đầu tư chọn kim loại quý để trú ẩn trước các rủi ro toàn cầu và động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đà tăng của vàng tiếp tục kéo dài sang năm nay và tiến sát 2.900 USD/ounce vào phiên 5/2. Thị trường tăng mạnh sau khi Trung Quốc công bố trả đũa thuế nhập khẩu của Mỹ.

Báo cáo của WGC cho biết năm 2024, các ngân hàng trung ương mua 1.044 tấn vàng và là năm thứ ba liên tiếp mua trên 1.000 tấn. Ngân hàng Trung ương Ba Lan mua mạnh tay nhất, khi bổ sung 90 tấn vào kho dự trữ.

Trong quý IV/2024, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, lực mua của các ngân hàng trung ương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 333 tấn.

Nhu cầu vàng đầu tư cũng tăng 25% lên 1.189 tấn, mức cao nhất 4 năm. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi tăng 10%, trong khi nhu cầu vàng xu giảm 31%. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 nước mua vàng chính của toàn cầu.

Nước nào mua nhiều vàng nhất? - 1

Vàng miếng trong một cửa hàng ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

"Nhà đầu tư Trung Quốc hiện rất thiếu kênh đầu tư", báo cáo của WGC giải thích. Thị trường chứng khoán tại đây biến động mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ hiện thấp kỷ lục. Còn tại Ấn Độ, nhu cầu vàng tăng lên khi nước này giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống 6% vào tháng 7/2024.

Mặc dù nhu cầu vàng tăng mạnh ở lĩnh vực đầu tư, nhưng ngành trang sức lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo, nhu cầu vàng trong ngành này giảm 11% so với năm trước, do giá vàng tăng cao khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu.

Dự báo nhu cầu vàng trang sức có thể vẫn yếu trong năm nay, do giá vàng cao tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Về nguồn cung, hoạt động khai thác vàng vẫn ổn định. Lượng vàng tái chế thậm chí tăng 15%. Dự báo nguồn cầu chính của thị trường năm 2025 vẫn sẽ là các ngân hàng trung ương, các quỹ ETF. 

Theo WGC, Reuters