Vì sao nhiều ngân hàng dừng giao dịch thẻ từ?
(Dân trí) - Nhiều ngân hàng thông báo ngừng giao dịch trên thẻ từ từ đầu tháng 9. Việc chuyển đổi thẻ từ sang chip được các ngân hàng cho biết để hạn chế tối đa rủi ro mất tiền, sao chép thông tin...
Nhiều ngân hàng thông báo "xóa sổ" thẻ từ
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã chứng khoán: BVB), cho biết kể từ ngày 20/9, ngân hàng này sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho thẻ công nghệ từ và thay thế bằng thẻ chip.
Không riêng BVBank, gần đây, hàng loạt ngân hàng đã lần lượt "khai tử" dòng thẻ ATM công nghệ từ. Trong đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là ngân hàng đầu tiên thông báo chính thức ngừng giao dịch thẻ từ từ ngày 4/9.
Tiếp đến, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết thẻ thanh toán V-TOP phiên bản thẻ từ cũng đã ngừng sử dụng từ ngày 10/9.
Để tránh gián đoạn giao dịch, thanh toán, các ngân hàng khuyến nghị người dùng nên kiểm tra thẻ hiện tại của mình là thẻ từ hay thẻ chip và nhanh chóng đến phòng giao dịch gần nhất để được đổi sang thẻ chip. Thẻ từ có dải băng từ màu đen ở mặt sau, trong khi thẻ chip có một con chip điện tử được gắn ở mặt trước.
Các ngân hàng cũng khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp bất kỳ thông tin hay hình ảnh thẻ/ hình ảnh giấy tờ tùy thân qua tin nhắn (SMS)/Zalo/Email để hủy thẻ, thay thẻ hay các nghiệp vụ thẻ khác. Vì vậy, người dùng thẻ tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân cho người khác.
Hiện hầu hết ngân hàng tại Việt Nam đã dừng việc phát hành thẻ từ từ cuối năm 2021. Thay vào đó, hệ thống các ngân hàng đã chuyển sang thẻ chip, tuân thủ lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải chuyển đổi từ thẻ ATM thường sang thẻ ATM chip từ ngày 31/3/2021, theo Thông tư số 22 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo giới thiệu bởi các ngân hàng, có 2 cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip. Cách thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang thẻ căn cước hoặc căn cước công dân đến chi nhánh/phòng giao dịch gần nhất để làm thủ tục hủy thẻ từ và cấp mới thẻ chip miễn phí.
Cách thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng. Ngoài ra, ở một số ngân hàng số, người dùng có thể đổi thẻ từ sang thẻ chip tại các cây ATM đa năng.
Ngừng giao dịch thẻ chip vì lý do bảo mật, an toàn
Ngoài việc tuân theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM bằng công nghệ từ sang công nghệ chip có độ bảo mật cao hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro mất tiền, sao chép thông tin thẻ.
Bởi ngoài các tính năng giao dịch thông thường, thẻ ATM gắn chip của các ngân hàng hiện được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (contactless) với nhận diện bằng biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.
Thẻ ATM gắn chip có kích thước giống như thẻ cũ, với chiều dài 85,6mm x chiều rộng 53,98mm. Song thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ từ ATM vì thẻ ATM cũ nhận thông tin bằng dải từ phía sau và không được mã hóa.
Trong khi đó, thẻ từ lưu toàn bộ thông tin cá nhân của khách hàng sau vạch đen của thẻ dưới dạng văn bản. Thông tin này dễ bị mã hóa, đánh cắp khi khách hàng cắm thẻ vào máy ATM hay quẹt thẻ trên máy POS, thông tin lưu trữ ở dải từ sẽ được đọc bởi các đầu đọc trong máy.
Do đó, chỉ cần một thiết bị quẹt thẻ từ thông dụng, kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin thẻ, sau đó cũng dễ dàng tạo ra các thẻ giả với thông tin sao chép được, đồng thời gắn các thiết bị lén ghi lại động tác nhập mã PIN của khách hàng và như vậy là đủ để kẻ gian có thể trộm tiền từ tài khoản của khách hàng.
Còn thẻ chip với con chip nằm ở mặt trước thẻ giúp mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu. Thông tin cá nhân sẽ được mã hóa theo dãy số nhị phân của máy tính và liên tục được thay đổi.
Việc áp dụng thẻ chip được ngành ngân hàng kỳ vọng giúp hạn chế rủi ro liên quan tới sao chép thông tin thẻ dẫn tới tình trạng chủ thẻ mất tiền oan.