Vì sao nhà giàu mới nổi châu Á không mê siêu du thuyền?

(Dân trí) - Nhiều người mới giàu ở châu Á thừa khả năng chi hàng trăm triệu USD để sắm siêu du thuyền, nhưng mặt hàng xa xỉ này lại không nằm trong danh sách những thứ mà họ chuộng.

Hãng tin
Hãng tin Reuters cho biết, thời gian này là một giai đoạn nhiều khó khăn đối với các công ty đóng siêu du thuyền trên thế giới. Số khách hàng giàu có tìm đến với các công ty công ty này đang ngày càng thưa thớt so với thời gian trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Ngành này đang trải qua hàng loạt thay đổi trong 4 năm trở lại đây. Cho đến năm 2008, thị trường rất sôi động. Nhưng tôi nghĩ rằng, thời hoàng kim trong các năm từ 2005 đến 2008 sẽ không bao giờ quay trở lại nữa”, ông Henk de Vries, Giám đốc công ty đóng tàu Feadship, cho biết.

Đây là công ty mới đóng xong du thuyền Venus mà huyền thoại công nghệ quá cố Steve Jobs đặt hàng. Hiện du thuyền này vẫn đang bị giữ ở Amsterdam vì còn nợ tiền.

Cuộc trao đổi giữa ông De Vries với Reuters diễn ra tại một sự kiện của các nhà thiết kế và sản xuất siêu du thuyền diễn ra mới đây tại London. Tham dự sự kiện này là những người làm việc trong lĩnh vực chuyên phục vụ các khách hàng giàu có với nhu cầu sắm những siêu du thuyền có chiều dài lên tới cả trăm mét, được trang bị máy bay trực thăng và tàu ngầm.

Theo tính toán của ông Andrew Winch, nhà sáng lập công ty thiết kế siêu du thuyền Andrew Winch Designs ở London, những ai đang tính tới chuyện sắm siêu du thuyền nên chuẩn bị 1 triệu USD cho mỗi mét chiều dài của chiếc du thuyền mà họ muốn tậu. Bên cạnh đó, chi phí vận hàng mỗi năm mà chủ nhân phải bỏ ra lên tới 10% giá mua của siêu du thuyền.

Trước đây, khách sắm siêu du thuyền chủ yếu là người Mỹ, tiếp đó là các tỷ phú và triệu phú đến từ các quốc gia châu Âu có truyền thống hàng hải và văn hóa đề cao việc sở hữu một chiếc du thuyền. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra đã khiến số lượng khách hàng này ngày càng giảm.

Trong khi đó, những người mới giàu lên ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung lại không hứng thú với du thuyền, bởi quốc gia của họ có thể không có truyền thống hàng hải như  các nước châu Âu. Những người giàu có này không xem du thuyền là một cách để thể hiện đẳng cấp khi lựa chọn các phụ kiện sang trọng cho lối sống của họ. Thực tế này đặt ra một thách thức nữa cho các công ty sản xuất và kinh doanh siêu du thuyền.

“Tất cả chúng tôi đều hy vọng vào một làn sóng khách hàng mới từ Trung Quốc”, nhà thiết kế du thuyền Espen Oeino đến từ Monaco nói. “Chúng tôi không chắc sẽ có nhiều khách hàng Trung Quốc thích du thuyền lớn bởi đó không phải là truyền thống của họ. Hồi thập niên 1990, chúng tôi cũng hy vọng nhiều vào khách hàng Nhật, nhưng điều tuyệt vời  đã không đến”.

Cũng theo ông Oeino, tình hình làm ăn hiện nay của công ty du thuyềnEspen Oeino International mà ông đang điều hành không được tốt như hồi năm 2007-2008.

Tuy nhiên,ông Marcel Onkenhout, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng đóng tàu Oceanco, cho rằng, ngành siêu du thuyền hoàn toàn có thể vượt qua được những trở ngại này bằng cách điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với nhu cầu của các khách hàng châu Á và chứng tỏ cho những người mới giàu trong khu vực này rằng, siêu du thuyền mới là biểu tượng đỉnh cao của các phụ kiện cao cấp.

“Ngành chúng tôi cần phải ‘dạy’ họ về phong cách sống”, ông Onkenhout nói.

Cho dù các tỷ phú, triệu phú mới nổi lên ở châu Á có trở nên hứng thú với siêu du thuyền, thì không mấy ai dám hy vọng vào sự trở lại của những danh sách chờ mua siêu du thuyền dài dằng dặc hồi trước năm 2008.

Ông de Vries cho biết, trong 3 quý đầu năm 2008, có tới 100 hợp đồng đóng siêu du thuyền được ký với khoảng 100 công ty trên thế giới.
 
“Tôi cho rằng, nhu cầu của thị trường hiện nay chỉ ở mức 30-50 siêu du thuyền mỗi năm và hợp đồng có thể chỉ dành cho  khoảng 30-40 công ty. Trong khi đó, vẫn đang có hơn 100 công ty, nên nguồn cung đang bị dư thừa chừng một nửa”, ông de Vries buồn bã nói.

Phương Anh
Theo Reuters