Vì sao nhà đầu tư chuyển hướng săn quỹ đất thành phố biển?
(Dân trí) - Khan hiếm nguồn cung đã khiến thị trường TP.HCM trầm lắng giao dịch. Để tự cứu mình, các doanh nghiệp BĐS rầm rộ đổ về tỉnh khiến nửa đầu năm 2019 cục diện thị trường đã phát triển theo hướng ly tâm. Sôi động nhất phải kể đến các thành phố biển mới nổi, vừa được nâng cấp lên thành phố và có nhiều tiềm năng khai thác dịch vụ du lịch.
Tiền dồn về bờ biển
Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, nguồn cung nhà đất tại TP.HCM trong Quý 1/2019 giảm sâu kỷ lục, chỉ bằng 25% so với quý 4/2018 và thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Trong khi đó phân khúc BĐS biển ghi nhận tăng cả về nguồn cung và lượng tiêu thụ. DKRA dự báo, trong thời gian tới, ngoài các tỉnh giáp ranh TP.HCM thì các khu vực có thế mạnh về biển sẽ trở thành điểm nóng của giới đầu tư bất động sản.
Công ty nghiên cứu CBRE Việt Nam cũng vừa công bố báo cáo tiêu điểm về thị trường BĐS biển với ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam bình quân đạt 27% trong 2 năm qua và thuộc những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á.
Trong khi khách Quốc tế tăng mạnh thì với đời sống càng được cải thiện, nhu cầu du lịch và chi tiêu du lịch của người Việt cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 123 ngày nghỉ, có hơn 90% dân số yêu thích du lịch, nghỉ dưỡng ven biển. Đó chưa kể là lượng du khách Quốc tế ngày càng tăng cao. Các con số ấn tượng kể trên đã khiến bờ biển trở thành “gà đẻ trứng vàng”.
“Đầu tư vào bờ biển là lựa chọn khôn ngoan, bởi chủ nhân vừa được tận hưởng kỳ nghỉ miễn phí, vừa được hưởng nguồn thu bền vững từ việc cho du khách thuê lại. Đó là chưa kể giá trị BĐS còn tăng theo thời gian, tùy vị trí”, một nhà phát triển dự án BĐS biển chia sẻ.
Đánh giá của nhiều nhà đầu tư BĐS cũng cho biết, chiến lược mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp BĐS là dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt những thành phố ven biển . Theo quan sát thực tế thị trường, ngoài vùng ven TP.HCM, hiện nay, các doanh nghiệp đều đổ về ven biển để phát triển dự án. Song đặc điểm của cơn sóng đầu tư lần này là tập trung về thị trường mới, có tiềm năng khai thác du lịch và đón sóng từ sức bật hạ tầng hoặc thay đổi cơ cấu. Đơn cử như Phan Thiết sau 2 quý đón 12 dự án nhờ thông tin sân bay, cao tốc, thị xã Lagi chào sân với dự án nhà phố biển để đón làn sóng lên thành phố, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chiếm sóng với loạt dự án của Novaland, đất Vân Đồn trong giai đoạn sốt với thông tin đặc khu. Thậm chí, các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài cơn sóng tìm kiếm của giới đầu tư bất động sản.
Kiên Giang xuất hiện xu hướng ly tâm
Sau cơn sốt đất kỷ lục vào đầu 2018, bất động sản Phú Quốc, Kiên Giang có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên thời gian gần đây, Phú Quốc lại bắt đầu kích hoạt đường đua với các dự án như Melodia Shophouse hay Grand World, mức giá bán được tiết lộ cho một căn shophouse từ khoảng 10 – 40 tỷ đồng/căn.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) nhận định: Đoạn biển từ Rạch Giá tới Hà Tiên đổ ra Phú Quốc là vị trí lý tưởng để phát triển bất động sản du lịch. Do đó, ngoài Phú Quốc thì Hà Tiên cũng đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Một số sàn giao dịch cho biết, nếu trước đây nhà đầu tư chỉ hỏi về Phú Quốc thì hiện nay, nhiều khách cũng có nhu cầu đầu tư tại Hà Tiên, nơi được xem là cửa ngõ du lịch của đảo ngọc.
Chị Thảo, môi giới lâu năm trên địa bàn Hà Tiên chia sẻ, kể từ sau tết, lượng khách giao dịch tại Hà Tiên sôi nổi hơn hẳn. Một ngày sàn giao dịch có khoảng 20 nhân viên nhưng có thể chốt nhanh 30 sản phẩm. Chưa kể giá đất tăng từng tuần. Một lô đất phía trong khu đô thị mới Hà Tiên trước tết giá khoảng 7 triệu/m2 thì sau tết lên 10 triệu/m2. Thậm chí chỉ sau vài tuần, cùng lô này, khách đầu tư đã giao dịch thành công với mức 14, 15 triệu/m2. Các khu đất có vị trí sát biển giá có thể lên tới 13– 20 triệu/m2. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giá khá mềm so với các thành phố biển khác trên cả nước.
Sự tăng tốc của Hà Tiên đã kích thích nhiều chủ đầu tư dồn về khu vực này đợi thời cơ. Tính đến nay, toàn thành phố có khoảng 200 dự án với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ động đang khởi động. Đơn cử, trong tháng 4, C&T sẽ thiệu dòng sản phẩm nhà phố biển thương mại La Rina Shophouse.
Đây là phân khu nằm trong dự án Ha Tien Venice Villas, sở hữu vị trí đắt giá khi nằm sát biển, trải dài trên mặt tiền đại lộ Hoàng Sa – cung đường du lịch xương sống của Hà Tiên. Phân khu được thừa hưởng toàn bộ hệ thống đỉnh cao của dự án Ha Tien Venice Villa, được phát triển thành phố thương mại tập trung đầu tiên của Hà Tiên. Giá bán được C&T tiết lộ chỉ khoảng từ 12,8 triệu/m2. Đây được xem là mức giá cạnh tranh so với các dự án đang kích hoạt trên thị trường BĐS biển.
Theo một số nguồn tin, ngoài Ha Tien Venice Villas, La Rina Shophouse, sắp tới, Hà Tiên sẽ đón thêm một số dự án khủng của Vingroup tại Khu đô thị mới, CT Land tại khu vực Mũi Ông Cọp, Trần Thái Group với dự án công viên văn hoá và Làng sinh thái Đông Hồ - Hà Tiên (26ha), đảo Hải Tặc cũng sắp đón một tên tuổi uy tín chuyên phát triển dòng BĐS nghỉ dưỡng cao cấp đến đầu tư …. Các dự án đồng loạt đổ bộ đưa Hà Tiên trở thành “đối thủ” đáng gờm, hứa hẹn cuộc chạy đua gay gắt trên thị trường BĐS biển.