Vì sao người Việt bị 'đầu độc' bởi chính mình và...Trung Quốc?
Trung Quốc nhập dễ dãi vào thì mình cũng phải dễ dãi, thế nên toàn dân hiện nay đang bị đầu độc. Phải biến thách thức thành cơ hội...
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết như vậy.
PGS.TS Vũ Trọng Khải |
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Bộ GTVT giải thích về việc trả lương cho Dương Chí Dũng * Vì sao người Việt bị 'đầu độc' bởi chính mình và...Trung Quốc? |
PGS.TS Vũ Trọng Khải: - Với cách làm như hiện nay thì liên quan đến Trung Quốc hay không người nông dân vẫn suốt đời khổ,: nông thôn thì nghèo, nông nghiệp thì lạc hậu. Từ đó mới nảy sinh vấn đề lệ thuộc kinh tế Trung Quốc ở cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào nhập phân bón, giống lúa, đầu ra xuất khẩu sang Trung Quốc là chính. Vì thế phải tổ chức lại, xây dựng lại, chứ không phải tái cấu trúc nền nông nghiệp.
PV: - Trung Quốc chiếm 42% thị trường xuất khẩu gạo, 54% thị trường xuất khẩu trái cây, 60% thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam... Việc lệ thuộc vào 1 thị trường như thế mang lại những hệ lụy gì, thưa ông?
PGS.TS Vũ Trọng Khải: - Các cụ đã dạy rồi: Đừng bao giờ để trứng vào một giỏ. Nếu không phải Trung Quốc mà một nước nào đó mà chúng ta chỉ buôn bán, làm ăn với nước đó thì cũng vi phạm nguyên tắc ấy rồi. Phải chia rủi ro và lợi ích ra nhiều thị trường khác nhau.
Tất nhiên, với thị trường Trung Quốc chúng ta phụ thuộc nặng hơn vì do yếu tố địa chính trị, sự tương đồng về phương thức sản xuất và văn hóa. Thứ hai, mặt hàng cá tra không phải là mặt hàng xuất khẩu số 1, số 1 xuất khẩu của Việt Nam là gạo, cao su - hiện nay đều đang chết.
Mấy năm cao su được giá cao vì 60% xuất khẩu tiểu ngạch, xuất thô sang Trung Quốc. Trung Quốc lúc đó phát triển nóng nên cao su được gọi là vàng trắng. Nhưng sau đó kinh tế đi xuống, trong đó có ngành dùng nhiều cao su nhất là công nghiệp ô tô nên cao su của Việt Nam cũng chết theo.
Ấu trĩ nhất là đem cao su đi trồng ở Tây Bắc và miền Trung. Miền Trung thì gió bão, Tây Bắc thì sương muối, hai cái đó tối kỵ với cao su. Cao su dính bão chỉ cần gẫy cành thôi là không có mủ, mặc dù vẫn sống. Còn ở Tây Bắc bị sương muối là chết. Hiện nay diện tích cao su mà người ta bảo là vẫn tốt là ở vùng tiểu khí hậu, chưa bị sương muối nhiều, còn nói chung là Tây Bắc (thậm chí cả miền Đông Bắc) cũng bị sương muối không thể trồng được.
Nhưng đó là tiền, là đất của dân, được thì báo thành tích, còn lỗ thì ngân sách Nhà nước chịu, dân góp đất thì dân chịu.
Trung Quốc chiếm 42% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam |
PV: - Chúng ta đã được chứng kiến giá của dưa hấu ở Sài Gòn lên tới 11-12.000 đ/kg, ở Hà Nội 20-25.000 đ/kg, trong khi hàng ngàn xe tải chở dưa hấu kiên nhẫn xếp hàng hơn chục km ở cửa khẩu Tân Thanh thậm chí thối hỏng, bị ép giá đến nỗi 1 quả dưa hấu được bán chỉ với giá ngang với ly trà đá. Tại sao người ta lại chấp nhận bán rẻ như cho ở cửa khẩu chứ không chịu bán đắt trong nội địa?
PGS.TS Vũ Trọng Khải:- Thì phải cắt lỗ, chấp nhận lỗ ít để đi về chứ. Chúng ta không tổ chức quản lý theo chuỗi, chỉ là những người đi buôn chuyến, được chuyến này, hỏng chuyến kia, chẳng có gì chặt chẽ.
Chúng ta nói nhiều nhưng không quan tâm thực sự, thiếu lòng yêu nước và kiến thức để làm việc này. Tâm và tầm đều thiếu.
PV: - Thị trường Trung Quốc dễ tính đến mức cái gì cũng mua, kể cả sản phẩm chất lượng thấp của Việt Nam khiến người nông dân, doanh nghiệp tập trung chạy theo sản lượng mà lười nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chúng ta nói nhiều đến việc giảm phụ thuộc 1 thị trường, tìm kiếm các thị trường mới, nhưng thị trường mới như EU, Mỹ, Nhật... lại nổi tiếng khó tính, phải làm thế nào khi chúng ta đã quen với lối làm ăn dễ dãi, tự hạ thấp chính giá trị sản phẩm của mình?
PGS.TS Vũ Trọng Khải:- Nếu dựa vào một thị trường dễ tính để làm ăn thì không bao giờ hiện đại hóa được nền nông nghiệp. Chúng ta tự dễ dãi với mình, giống như nhập khẩu công nghệ lạc hậu, cứ có FDI vào là mừng, biến đất nước thành bãi thải công nghệ.
Trung Quốc nhập dễ dãi vào thì mình cũng phải dễ dãi. Thế nên toàn dân hiện nay đang bị đầu độc bởi nền nông nghiệp của chính mình và nông nghiệp Trung Quốc. Hàng ngày chúng ta ăn nông phẩm là chúng ta ăn thuốc độc và chết dần mà không cảm nhận thấy.
Chính lúc này phải biến thách thức thành cơ hội, phải hiện đại hóa nền nông nghiệp và không phải chỉ xây dựng những khu nông nghiệp công nghệ cao mà phải xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.
Chúng ta chỉ thích làm triển lãm, làm mẫu để đi khoe nên mới đẻ ra thứ gọi là khu nông nghiệp công nghệ cao, còn nước Mỹ là nền nông nghiệp công nghệ cao. Mà nền nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ là kỹ thuật sản xuất mà còn là cả công nghệ quản lý nữa.
Phải có 2 nhân tố quan trọng: nông dân lớn và doanh nghiệp lớn. Nông dân lớn ở đây là thanh nông tri điền được đào tạo, được chuyên nghiệp hóa, chứ không phải lão nông tri điền cha truyền con nối. Còn doanh nghiệp phải là doanh nghiệp lớn được trang bị công nghệ hiện đại, làm tạo ra giá trị gia tăng. Hai nhân tố này liên kết với nhau thì mới thành một chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn, lúc đó mới xuất khẩu được sang thị trường EU, Nhật Bản...
Đây là một thách thức nhưng lại là cơ hội, là cái may cho nền nông nghiệp. Các cụ đã nói: Cùng tắc biến, biến tắc thông, khi anh bị dồn vào chân tường, không bán được cho ai cả, chỉ bán được cho Trung Quốc, mà Trung Quốc đóng sập cửa thì phải nghĩ đến làm sản phẩm chất lượng cao để bán sang EU, Nhật Bản, Mỹ. Lý do xây dựng lại nền nông nghiệp là thế, tạo nên những nhân tố mới, hình thành một hệ thống mới, thể chế quản lý mới và hệ thống công nghệ hiện đại.
PV:- Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
PGS.TS Vũ Trọng Khải: - Phải lên 1 kế hoạch rất rõ trong nông nghiệp. Thứ nhất, khâu sản xuất mang tính sinh học của nông dân phải làm gì? Đầu tiên là phải đào tạo lại nông dân, chuyên nghiệp hóa nông dân. Tất cả trường nông nghiệp của đất nước này hãy đào tạo miễn phí tất cả con em nông dân muốn làm nông dân. Chúng ta có nhiều tiền hiện nay đang bị phung phí cho những dự án tào lao, hãy dùng tiền đó đào tạo con em nông dân thành nông dân chuyên nghiệp, nông dân có tri thức.
Thứ hai, cần một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới. Chúng ta có ngân hàng phi lợi nhuận dùng vốn ngân sách Nhà nước để tài trợ cho các dự án áp dụng công nghệ cao chế biến nông phẩm và tiêu thụ nông phẩm cho nông dân. Nếu tiền đó hết thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm chẳng hạn, tài trợ 50% lãi suất tín dụng đầu tư dài hạn để đổi mới công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến hiện đại là doanh nhân nhảy vào ngay.
Không có nông dân lớn, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại thì không có nền nông nghiệp hiện đại, không có nền nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như: giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch, công cụ, máy móc, thiết bị nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp...
Muốn có nông dân lớn thì phải thay đổi chính sách ruộng đất, chứ không thể để như hiện nay.
Tôi lấy ví dụ, cách xử lý ruộng đất ở miền Bắc rất phi thị trường, dồn điền đổi thửa bằng cách đất đổi đất. Đất đổi đất tức là đổi bằng hiện vật như thuở hồng hoang. Anh áp đặt người ta 1 sào này đổi lấy 0,9 sào kia. Anh đánh giá thế nào để bảo 1 sào đất của tôi chỉ bằng 0,9 sào đất của người kia? Anh dựa trên tiêu chuẩn là lúa, đất tốt với lúa anh bảo hệ số 1, xấu với lúa thì bảo hệ số 0,9. Nhưng tôi không trồng lúa mà trồng sản phẩm khác năng suất cao hơn lúa thì sao? Trong Nam rất đơn giản: Đất của tôi ở xa, tôi bán, tôi mua đất ở gần.
Chúng ta không thiếu người giỏi nhưng người giỏi đang đứng ngoài lề quá trình phát triển của đất nước. Người giỏi thì hoặc làm ông chủ, hoặc làm thuê cho nước ngoài, hoặc làm thuê cho doanh nghiệp trong nước, còn khả năng kém thì hối lộ để vào bộ máy công chức...
Vì thế, muốn xây dựng lại nền nông nghiệp, trước hết phải xem xét bộ máy quản lý nông nghiệp.
Đất Việt