Vì sao người mua 'mắc bẫy' trái cây Trung Quốc?
Những cửa hàng trái cây mác Úc, Mỹ, kỳ thực là phần nhiều của Trung Quốc mọc lên như nấm, giá cả mỗi nơi mỗi khác khiến khách hàng rơi vào ma trận.
Trên thị trường hiện nay, các loại trái cây có thể nhập khẩu từ Mỹ, Úc như táo, dưa, nho, cherry… đều có thể nhập từ Trung Quốc, dĩ nhiên là với giá rẻ hơn rất nhiều lần. Bản thân các loại hoa quả nhập cũng có chất lượng khác nhau, tuỳ vào vùng trồng, tuỳ vào kích cỡ.
Không có doanh nghiệp nào nhập từ Trung Quốc (?!)
Tại chợ Thanh Hà (Hà Nội) xuất hiện cherry (Anh Đào) được bán với giá 210.000 đồng/kg và quảng cáo là Cherry Mỹ, trong khi đó, một số cửa hàng nhập khẩu trái cây từ Mỹ cho biết, với giá bán là 200.000 đồng/kg thì không thể có lãi.
“Giá cherry hiện tại của bên mình là 399.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá đã khuyến mãi… chứ giá giảm nữa thì không thể có chuyện có lãi”, chị Hương (quản lý cửa hàng trái cây nhập khẩu) cho biết. Ngoài ra, cherry cũng có nhiều loại khác nhau như cherry vàng, cherry đỏ (khi chín, ngả sang màu tím), nhưng mức giá không thể thấp đến mức 200.000 đồng/kg.
Riêng đối với quả cherry, trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Ngã - chi cục trưởng chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (cục Bảo vệ thực vật) cho biết, không có bất kì doanh nghiệp nào nhập khẩu từ Trung Quốc, trên giấy tờ các doanh nghiệp chỉ nhập cherry từ Mỹ, Canada…
Như vậy, các loại Cherry giá rẻ trên thị trường nếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì 100% là nhập lậu và chất lượng loại cherry Trung Quốc như thế nào vẫn chưa được kiểm nghiệm.
Ngoài ra, không chỉ có những loại trái cây đã bị báo chí phản ánh là nho và cherry mà còn có nhiều loại hoa quả khác rất dễ nhầm lẫn như dưa vàng, táo “xuất xứ Trung Quốc, bán giá Mỹ” vẫn được bày bán.
Chủ một cửa hàng trái cây nhỏ tại Hà Nội cho biết: “Dưa vàng Trung Quốc bán 50.000 – 60.000 đồng/kg, dưa Mỹ bán ít nhất là 150.000 đồng/kg… nhưng bọn chị bán cũng quen, không muốn lừa khách chứ nhìn thì cũng không biết đâu”.
Giá cả các loại quả nhập trên thị trường cũng khá khác nhau, cùng một loại táo nhập từ Newzeland hay Mỹ nhưng kích cỡ khác nhau thì giá cũng khác.
Đối với các nước này, tiêu chuẩn về chất lượng hoa quả của họ rất khắt khe, như việc không cho phép sử dụng hoá chất để diệt sâu bệnh mà kiểm soát sâu bệnh bằng sinh học, bảo quản trong phòng lạnh và phủ sáp ong tự nhiên để bảo vệ khỏi vi khuẩn.
Khi các loại quả này về Việt Nam cần được giữ trong điều kiện thích hợp khi lúc nhập để đảm bảo chất lượng tốt nhất. "Nhiều cửa hàng nhỏ, hay người bán quầy hàng ngoài trời, họ nhập về trong trạng thái được bảo quản lạnh, lại đem ra bầy ngoài đường nên mất hết lớp bảo vệ... quả bị héo lại, chất lượng không đảm bảo và có nguy cơ bị hỏng".
Vậy nên, đối với các hệ thống trái cây nhập khẩu, siêu thị... thì điều kiện bảo quản hoa quả của họ luôn trong một nhiệt độ lạnh thích hợp và giá cả có cao hơn các loại hoa quả bày bán bên ngoài, mặc dù nguồn gốc giống nhau nhưng chất lượng hoàn toàn khác với các loại quả được bày bán ở nhiệt độ ngoài trời Việt Nam.
Nho lại được "nguỵ trang"
Sau khi bị báo giới phanh phui, các loại nho đỏ Trung Quốc được cảnh báo là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép đã bớt xuất hiện trên đường phố, nhưng vẫn có thể dễ dàng nhận ra tại những quầy bán hoa quả nhỏ.
Tại chợ Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), những loại nho đỏ hình dạng giống hệt các loại nho Trung Quốc bị phản ánh trước đó đã được gói gém vào những túi lilon được dán lại khá nham nhở bằng... nến, bên ngoài có 1 tờ giấy nhỏ in nguồn gốc xuất xứ là... nho Mỹ.
"Họ bảo nho Mỹ 170.000/kg đấy, nhưng chị mặc cả xuống 60.000/kg thì vẫn bán", chị Ngọc Lan - một người nội trợ sống ở gần đấy cho biết. Khi ăn loại nho này, thấy có những đặc điểm giống hệt nho Trung Quốc như nhiều hạt, mềm và có vị chua.
Trên thị trường hiện nay, nho đỏ Úc và Mỹ có giá không dưới 230.000 đồng/kg. Mặc dù phải qua kiểm nghiệm mới biết nguồn gốc xuất xứ của nho, nhưng dựa vào mức giá rẻ đến vô lý cũng có thể đoán được các loại nho gắn "mác Mỹ" mà giá chỉ vài chục nghìn có nguồn gốc từ đâu.
Các loại "nho Mỹ siêu rẻ" không chỉ xuất hiện tại khu chợ đã nói kể trên mà còn có thể bắt gặp ở các chợ khác như chợ Thành Công, chợ Cầu Diễn... một số sạp hàng ngoài trời.
Hám của rẻ
Hiện khách hàng cũng chỉ còn cách nhìn bằng mắt thường, nếm bằng lưỡi các loại hoa quả để phân biệt một cách rất mơ hồ. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có một động thái quyết liệt để ngăn chặn các loại hoa quả có chất lượng không bảo đảm xuất hiện trên thị trường.
Chị Lệ ở Định Công chia sẻ chị là “con nghiện” nho Mỹ vì tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng hàng nhập khẩu. Nhưng sau một lần ngộ độc “hàng hiệu”, chị lại quay ra nghi ngờ các sản phẩm cao cấp này.
Chị Lệ chia sẻ: “Sau lần ngộ độc nho Mỹ, tôi cai nghiện luôn món này vì dù rất thích ăn nhưng tôi không chắc mình mua được đúng nho Mỹ thật. Tôi không biết phân biệt nho Mỹ, nho Trung Quốc và nho Việt Nam”.
Tuy nhiên, chị Nga, quản lý của Green Day Mart cho rất dễ để phân biệt nho Trung Quốc và nho Mỹ. Nho Trung Quốc to, tròn, ăn có vị chua và khá mềm. Trong khi đó, nho Mỹ dài, thuôn, ăn ngọt và giòn.
Phân biệt hai loại nho này khá dễ nhưng người tiêu dùng vẫn cố tình để mình “mắc bẫy” nguyên nhân chủ yếu, theo bà Nga chính là người tiêu dùng hám của rẻ.
Bà Nga cho biết không ít khách hàng thường hay hỏi “tại sao giá ở đây cao thế mà nơi khác chỉ bằng một nửa”. Hỏi thì hỏi vậy, chứ khách hàng hầu hết đều có câu trả lời vì khi nếm dù chỉ một quả họ cũng phân biệt được đâu là nho Mỹ, đâu là nho Trung Quốc vì chất lượng có sự khác biệt khá lớn.
Nho Trung Quốc 30.000 đồng/kg có sự khác biệt lớn với nho Mỹ nhưng theo chị Lệ, rất khó phân biệt nho Trung Quốc cao cấp và nho Mỹ. Dù không dám khẳng định nhưng chị Lệ nghi ngờ, có nhiều loại nho Trung Quốc được trộn vào nho Mỹ mà khách hàng khó có thể phân biệt được.
Theo khảo sát của phóng viên, giá nho Mỹ tại các cửa hàng đóng mác hoa quả nhập khẩu xịn có sự chênh lệch rất lớn. Điều đặc biệt là, các cửa hàng có tên tuổi lại niêm yết giá ở mức… cao hơn hẳn. Ví dụ nho đen được bán ở giá 230.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại một số cửa hàng khác, nho đen lại được rao bán với giá từ 130.000 đồng/180.000 đồng/kg.
Bản thân bà Nga cũng cho biết, việc giá cả của các cửa hàng hoa quả nhập chênh lệch nhau lớn một phần do chi phí vận chuyển, chất lượng sản phẩm, phần còn lại do một số cửa hàng đội lốt hoa quả nhập, bán hàng trộn hoa quả Trung Quốc.
Theo Phan Minh
VTCNews