Vì sao người dân bức xúc, hàng loạt dự án BOT phải dừng thu phí?

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật PPP “có vấn đề” là mấu chốt khiến cho các dự án PPP đã triển khai có nhiều bất cập. Người dân phải trả những khoản phí quá lớn khi sử dụng đường bộ, việc này gây ra những phản ứng khiến trạm BOT phải dừng thu phí, đóng cửa.

Sáng nay (19/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Nhiều đại biểu nêu ý kiến về yếu kém của các dự án PPP xuất phát từ “lỗ hổng” pháp lý và bất cập chính sách.

“Chững” BOT, 3 năm không có dự án mới

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho biết, các dự án PPP thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT có dấu hiệu chững lại, Bộ GTVT cho biết từ năm 2016 đến nay chưa thực hiện dự án nào.

“Có những dự án BOT gây bức xúc, phải dừng thu phí và chưa biết bao giờ thu lại gây phát sinh tiền lãi rất lớn và sau này người dân phải trả qua việc nộp phí. Việc dừng thu phí cũng làm vỡ phương án tài chính của dự án, gây hệ luỵ cho nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Nhiều dự án PPP thanh toán bằng quỹ đất bất hợp lí, nhà đầu tư thu lợi quá lớn gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại cho Nhà nước.” - ông Hàm nêu rõ. 

Vì sao người dân bức xúc, hàng loạt dự án BOT phải dừng thu phí? - 1
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ)

Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, thực trạng nói trên cho thấy chính sách về dự án PPP đang “có vấn đề”, nếu không hoàn thiện sẽ khó kêu gọi đầu tư và tiếp tục gây thiệt hại cho Nhà nước. Đại biểu này thống nhất việc xây dựng và ban hành Luật PPP xuất phát từ bản chất của dự án PPP trong thực tiễn của Việt Nam; yêu cầu quy định nhà đầu tư thu lợi phù hợp với số tiền, tài sản Nhà nước bỏ ra hoặc tiền phí người dân nộp. 

“Những dự án PPP tại Việt Nam thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, những hình thức dự án PPP khác nhau có những bất cập khác nhau. Những bất cập được khắc phục bằng các văn bản dưới luật. Như vậy, ngoài văn bản chung thì Luật cần có những quy định riêng, phù hợp với từng hình thức dự án.” - ông Hàm nói.

Trong dự thảo Luật PPP trình Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng quy định về chia sẻ rủi ro là bất hợp lí, dự thảo Luật cho phép  thu phí thực tế cao hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng, việc tăng, giảm, điều chỉnh mức giá các sản phẩm dịch vụ, hoặc rút ngắn, kéo dài thời gian đấu thầu.

“Đối với các công trình trọng điểm của Nhà nước, quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu. Vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu và điều chỉnh trong thực tế, tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu.” - đại biểu Hàm cho hay.

Vì sao người dân bức xúc, hàng loạt dự án BOT phải dừng thu phí? - 2

Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) bị dừng thu phí hơn 1 năm qua do người dân phản ứng (ảnh: Hải Hành)

Theo vị đại biểu này, thực tế đã có nhiều dự án BOT giao thông thực hiện trên tuyến đường hiện hữu, hoặc trên tuyến đường độc đạo gặp phản ứng của người dân nên phải dừng thu… Đây là vấn đề lớn cần phải xử lý theo các quy định chặt chẽ của Luật.

Tăng phí phải “đo” phản ứng người dân

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đưa ra những băn khoăn với các quy định còn nhiều bất hợp lí trong dự thảo Luật PPP trình Quốc hội.

Về việc cho phép tăng giá, phí dịch vụ, kéo dài thời gian thu phí, nữ đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích người dân, bởi ở đây chủ thể phải trả phí không phải Nhà nước mà là người dân. “Khi đưa quy định vào dự thảo Luật cần tính đến phản ứng người dân ở các trạm thu phí, tính đến dự luận chưa tốt về một số dự án BOT thời gian vừa qua.” - bà Mai cho biết. 

Đối với rủi ro dự án, nữ đại biểu nêu quan điểm: Thỏa thuận giữa Nhà nước với chủ đầu tư được thực hiện theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu”, theo nguyên tắc thị trường. Trước khi ký kết hợp đồng nhà đầu tư đủ thông minh để hình dung 2 yếu tố lợi nhuận và rủi ro, lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao, khi ký hợp đồng thì đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro. 

Vì sao người dân bức xúc, hàng loạt dự án BOT phải dừng thu phí? - 3
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

“Chia sẻ rủi ro đối với dự án có quy mô lớn, các dự án trọng điểm, Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro bằng hính thức nào? Nguồn lấy từ đầu để chia sẻ rủi ro? Khi tác động đến nợ công thì xử lý như thế nào?” - bà Mai đặt câu hỏi và cho rằng dự thảo Luật PPP chưa đưa ra câu trả lời, chưa đưa ra những căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro của dự án, chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro... 

Nữ đại biểu cũng cho rằng Dự thảo luận đưa ra quy định “nghe có vẻ rất hợp lí” là trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với Nhà nước, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh trong 22 năm qua chưa nhà đầu tư nào áp dụng chia sẻ lợi nhuận với Nhà nước, trong khi đó Nhà nước trả khoản lỗ cho 1 số dự án BOT.

Theo bà Mai, việc này cần xem xét, cân nhắc ngay từ thời điểm thương thảo hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và mức lợi nhuận hợp lí. Nhà nước chỉ bồi thường trong việc thay đổi cơ chế chính sách mà có ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. 

“Điều người dân cần là giảm gánh nặng thuế, phí, giá và Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách hạn hẹp hiện nay, chỉ khi nào đạt mục tiêu này thì đại biểu mới yên tâm bấm nút thông qua Luật PPP” - nữ đại biểu đoàn Hà Nội thẳng thắn.

Châu Như Quỳnh