1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đầu tư PPP: Lời được ăn, lỗ phải chịu, tại sao lại đòi “bù” doanh thu?

(Dân trí) - “Chúng ta đã đấu thầu dự án, có hợp đồng BOT. Với doanh nghiệp, lời thì ăn lỗ phải chịu chứ sao lại đòi bù doanh thu? Điều này là bất hợp lí và không công bằng, nhà đầu tư sẽ có tư tưởng ỉ lại...” - đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nói về Dự án Luật đầu tư công (PPP).

Sáng nay (11/11), sau báo cáo giải trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự án Luật PPP, Quốc hội thảo luận Dự án Luật này tại Tổ.

Lo ngại “mưu lợi” từ rủi ro

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình quan tâm tới việc bù doanh thu đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT trong giải trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế sáng cùng ngày.

“Chúng ta đã đấu thầu dự án PPP, đã ký hợp đồng, vì vậy với doanh nghiệp nếu lời thì ăn, lỗ phải chịu nay lại đòi bù doanh thu thì bất hợp lí và không công bằng. Nếu bù doanh thu thì sẽ tạo ra sự khó xử sau này và nhà đầu tư có tư tưởng ỉ lại.” - ông Bình cho biết và nói rằng chỉ ủng hộ việc bù doanh thu, nhưng đó là với các trường hợp dự án đặc biệt. 

Đầu tư PPP: Lời được ăn, lỗ phải chịu, tại sao lại đòi “bù” doanh thu? - 1
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội)

Cùng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm về rủi ro trong đầu tư PPP và phải giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những yếu tố “mưu lợi” từ việc đầu tư này.

“Trên thực tế có những rủi ro thực sự mà nhà đầu tư phải chịu, nhưng cũng có những yếu tố lạm dụng rủi ro của PPP để mưu lợi từ một số dự án BT, cái gì là rủi ro có tính chất chia sẻ và cái gì là lợi ích không được xác định rõ ràng.

Giá trị đầu tư của nhiều dự án sau khi kiểm toán xong thấy không đúng với giá trị báo cáo ban đầu, dẫn tới chuyện có thể người dân phải gánh chịu nhiều hơn việc chi trả nếu thời gian thu hồi vốn bị kéo dài” - ông Cường dẫn chứng và nhấn mạnh cần thiết phải ban hành Luật PPP. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm về rủi ro đầu tư PPP và nguy cơ mưu lợi của doanh nghiệp 

Giá, phí hay tiền “boa”!

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, cơ quan Nhà nước khi ký hợp đồng phải xác định mình là đối tác bình đẳng với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vai trò quản lý Nhà nước phải tách ra với vai trò 1 bên trong hợp đồng đối tác công tư.

“Đối tác công tư là vừa có công vừa có tư. Bất cứ chính quyền nào đều mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội để đẩy nhanh đời sống người dân. Tuy nhiên, khả năng có hạn, không phải vô hạn. Bất cứ nước nào cũng phải cân đối giữa mong muốn phát triển với khả năng tài chính.” - ông Kiên nói và nhấn mạnh: Nhà nước và doanh nghiệp “ngồi cùng thuyền”, Dự án “chìm xuồng” thì Nhà nước ảnh hưởng, dự án nhanh về đích Nhà nước được lợi.

Đầu tư PPP: Lời được ăn, lỗ phải chịu, tại sao lại đòi “bù” doanh thu? - 2
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu kinh nghiệm nghiên cứu, khi chuyển từ phương thức Nhà nước lo tất cả sang Nhà nước cùng các nhà đầu tư, cung ứng, dịch vụ công, sử dụng dịch vụ công phải đóng khoản tiền nhất định.

Về cách gọi giá và phí, theo quan điểm của ông Kiên, trước gọi là phí hay giá, làm luật thì phải hiểu là giá. Gọi phí là do quen mồm, còn nay Nhà nước đã quy định là giá với 12 mặt hang, hoạch toán kinh tế gọi là giá. “Giá, phí, hay tiền boa vẫn là tiền của người sử dụng công trình ấy trả cho người quản lý tuyến đường.” - ông Kiên nói.

Ông Kiên cho rằng, chuyện phản ứng thu phí xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Ở Mỹ, những thập kỷ 70 - 80, khi tiến hành rà soát, phân cấp tài chính của Chính phủ liên bang, các bang cũng sử dụng nhà đầu tư tư nhân đầu tư cao tốc rồi thu phí, hiệp hội vận tải, lái xe phản ứng.

Chile là điểm hình phát triển kinh tế Nam Mỹ, tình trạng chống lại PPP ban đầu còn mạnh hơn ở Mỹ. Mới đây khi Chính phủ chile tăng giá xăng dầu, dịch vụ, tình hình xã hội ở Chile cực kỳ bất ổn, thậm chí APEC phải hủy bỏ vì an ninh không đảm bảo.

Đầu tư bằng USD, thu về tiền đồng?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua Bộ này đẩy mạnh đầu tư giao thông theo hình thức đối tác công tư PPP. Tuy nhiên, Bộ GTVT mới chỉ thu hút nội địa mà chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án lớn, bởi nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào đầu tư với mục đích là kiếm lợi nhuận, nếu không họ sẽ không chi tiền.

Theo Bộ trưởng GTVT, do Việt Nam là nước đang phát triển, đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nên quy hoạch 5 năm điều chỉnh 1 lần. Nhưng một dự án PPP có thể kéo dài tới 15 - 20 năm, do vậy trong vòng đời của dự án PPP có thể điều chỉnh quy hoạch 3 - 5 lần.

Đầu tư PPP: Lời được ăn, lỗ phải chịu, tại sao lại đòi “bù” doanh thu? - 3
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Người đứng đầu ngành GTVT cho biết, khi tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi 3 việc: Thứ nhất là bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro với họ. Quy hoạch của ta thay đổi liên tục, họ sợ rủi ro. Thứ hai, họ mang tiền về nước ta đầu tư là ngoại tệ. Con đường đầu tư 1 tỷ USD thì họ phải mang vào 1 tỷ USD để xây dựng, xây dựng xong rồi thì họ phải thu hồi 1 tỷ USD này đồng thời phải thu hồi thêm cả tiền lãi, do vậy họ yêu cầu chúng ta phải bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ để họ mang về nước ngoài, không thể mang USD vào và mang tiền đồng về. Thứ ba, họ sợ trượt giá, khi mang tiền vào đầu tư, 1 USD có thể là 20.000 đồng, cuối dự án thì 1 USD bằng 25.000 đồng, tính tiền Việt thì có thể lãi, nhưng tính tiền USD thì lỗ.

Đối chiếu Luật đang trình, việc bảo lãnh doanh thu nếu nhà đầu tư lỗ, Nhà nước chia sẻ 50%, nếu họ lãi tốt thì chúng ta cũng được chia lợi nhuận 50%. Luật cũng cho nhà đầu tư chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, mức độ bao nhiêu %, như thế nào thì cần nghiên cứu thêm.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm