1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao không trưng cầu ý dân việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP?

(Dân trí) - Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới.

Với 100% thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 7 thông qua Hiệp định CPTPP.
Với 100% thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 7 thông qua Hiệp định CPTPP.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan chiều ngày 12/11, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngày 2 và ngày 5/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về việc phê chuẩn CPTPP.

Về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do khác.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại thời điểm này là chưa phù hợp; cần đánh giá cụ thể, lượng hóa các tác động, rủi ro đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể; cũng như lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động; cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Về thời điểm phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung Hiệp định TPP trước đây đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm hiện nay, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và Hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30/10/2018.

"Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới", báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Về đánh giá tác động, lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu sự tác động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Hồ sơ trình và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội. Quá trình đàm phán Hiệp định, bằng các hình thức khác nhau, Chính phủ đã lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; các Bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Sau khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của Hiệp định đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như đã được trình bày trong Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và ngay sau khi ký kết Hiệp định CPTPP, Chính phủ chỉ đạo đăng tải nội dung của Hiệp định trên cổng thông tin của Bộ Công thương.

Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định của Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định và theo khoản 3 Điều 77 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế.

Về 2 ý kiến cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu ý dân chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho hay, các đại biểu Quốc hội nhất trí trình tự, thủ tục, hồ sơ trình phê chuẩn và thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định CPTPP tuân thủ đúng các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức quốc hội năm 2014, Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cân nhắc tương thích đến các Hiệp định Thương mại tự do khác mà Việt Nam chuẩn bị tham gia.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ phân công Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát pháp lý Hiệp định CPTPP. Kết quả đã rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở cấp trung ương có hiệu lực tại thời điểm ngày 30/4/2018. Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP của Quốc hội giao Chính phủ và các tổ chức, cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

Phương Dung

Vì sao không trưng cầu ý dân việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm